Kinh tế TP Hồ Chí Minh 3 tháng đầu năm 2023 chưa đạt kỳ vọng
Ngày 1/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế, xã hội quý I và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2023.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, như dự báo của các chuyên gia và nhà khoa học, tình hình chính trị, xã hội trên thế giới những năm trở lại đây diễn biến rất bất định, phức tạp, mơ hồ.
Trước tình hình này, TP Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Năm 2021, TP phải chiến đấu với đại dịch và vượt qua trong điều kiện hết sức ngặt nghèo; Năm 2022, năm phục hồi, TP cố gắng lấy lại những gì đã mất sau năm đại dịch, kết quả đã thực hiện được, vượt lên dự tính ban đầu với chỉ số phấn khởi.
Tuy nhiên, cuối năm 2022 và đầu 2023, TP Hồ Chí Minh lại gặp nhiều khó khăn, thử thách nên Chính quyền TP đã quyết tâm nâng cao chất lượng, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội để thích ứng, tận dụng cơ hội vượt qua khó khăn, song kết quả đạt được lại thấp hơn dự đoán.
“Bức tranh chung của công tác triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách từ Trung ương đều được triển khai rất nghiêm túc; Các nhiệm vụ được giao kịp thời, cụ thể; Các công trình trọng điểm được triển khai rất quyết liệt… nhưng tại sao kết quả đạt được lại không như mong muốn?”, đồng chí Nguyễn Văn Nên đặt câu hỏi.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết vấn đề này điều quan trọng nhất phải rà soát lại, nghiêm túc nói thẳng, nói thật, nhìn trực tiếp vào nguyên nhân khách quan và chủ quan để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
“TP Hồ Chí Minh phải cố gắng nỗ lực hơn nữa, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phải nhìn nhận một cách khách quan, nghiêm túc những gì đã, đang, sẽ làm. Từ đó, đề ra giải pháp cho quý II, những quý còn lại của năm cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp, hoàn thành nhiệm kỳ đề ra”, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp |
Trước đó, trong báo cáo kết quả kinh tế, xã hội quý I, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: UBND TP đã chủ động tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Thành ủy, HĐND TP về phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ngay từ những ngày cuối năm 2022.
UBND TP cũng đã tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng: Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng khá; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng; GRDP tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 26,6% dự toán năm; Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong quý I năm 2023 ước thực hiện 69.679,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ (tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP đạt 19,3%); Số lao động được giải quyết việc và số chỗ việc làm mới tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Ngành Du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách; Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm, giảm được thiệt hại do cháy nổ, tai nạn giao thông...
Trong quý II năm 2023, UBND TP xác định tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 26 đề án, chương trình, hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đến năm 2040.
Cùng với đó, UBND TP sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; Thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”; Đồng thời, ban hành, triển khai thực hiện chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản…
Riêng trong tháng 4, TP sẽ tập trung hoàn thiện Đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ; Rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ; Rà soát các quy hoạch của TP gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng chính sách phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới; Xây dựng đề án mở rộng Khu Công nghệ cao hiện hữu; Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống quản trị thực thi, tiến độ triển khai đề án dữ liệu; Nghiên cứu, đề xuất cải cách một số thủ tục hành chính trọng tâm đối với một số ngành, lĩnh vực còn nhiều ý kiến phản hồi thiếu tích cực; Đánh giá toàn diện về thị trường lao động TP; Nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh…
Cũng trong phiên họp, nhiều chuyên gia, các sở ngành, quận huyện đã phân tích những kết quả đạt được, những việc chưa làm được và đề xuất các giải pháp cho thời gian tới.