• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kim Sơn - địa phương đi đầu cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc

Những năm qua, phong trào hiến tặng giác mạc sau khi qua đời có sức lan tỏa rộng rãi tại huyện Kim Sơn cũng như toàn tỉnh Ninh Bình. Lúc đầu, đây chỉ là hoạt động phát động trong phạm vi nhỏ, đến nay trở thành phong trào truyền thống tại huyện Kim Sơn, góp phần mang lại ánh sáng cho nhiều người thiếu may mắn.

Vào những năm 2000, việc hiến giác mạc nói riêng hay hiến mô tạng nói chung còn chưa được đề cập nhiều tại tỉnh Ninh Bình, công tác vận động hiến mô, tạng còn nhiều khó khăn, thách thức. Từ năm 2007, nghĩa cử cao đẹp của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn) tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đã để lại dấu mốc quan trọng trong phong trào hiến tặng giác mạc tại địa phương này những năm về sau. Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, cụ Nguyễn Thị Hoa đã trở thành tấm gương sáng tiên phong, thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển, lan rộng. Noi theo tấm gương cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi, Kim Sơn đã tạo nên một phòng trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng.

Mới đây, vào đầu tháng 12/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình và Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn phối hợp với Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương, tiếp nhận giác mạc của ông Mai Quang Thiều (62 tuổi, ở xóm 5, xã Cồn Thoi), hiến tặng sau khi qua đời. Khi còn khỏe mạnh, với tâm nguyện "cho đi là còn mãi", ông Mai Quang Thiều đã đăng ký hiến tặng giác mạc để giúp người mù được nhìn thấy ánh sáng. Thực hiện di nguyện của người quá cố, sau khi ông qua đời, gia đình đã phối hợp với các cấp Hội Chữ thập đỏ và Ngân hàng Mắt Trung ương thực hiện tiếp nhận giác mạc của ông. Đây cũng là một trong những ca tiếp nhận giác mạc trở lại sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của COVID-19, là ca thứ 417 trên địa bàn huyện Kim Sơn hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Trong Chương trình tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc, được Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với tỉnh Ninh Bình tổ chức vào đầu năm 2024, tại huyện Kim Sơn đã có hàng chục người đăng ký hiến giác mạc hoặc đăng ký cho người thân hiến giác mạc sau khi qua đời. Ông Vũ Văn Minh, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn cho biết, gia đình ông có mẹ già ốm đau trong thời gian dài, gia đình đã tổ chức họp toàn thể anh chị em và quyết định cho mẹ hiến giác mạc với mục đích giúp cho những người khác tìm lại được ánh sáng.

Tại tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn dẫn đầu về số lượng ca hiến giác mạc. Từ năm 2007 đến nay, Kim Sơn có 417 người ở 21/25 xã, thị trấn hiến tặng giác mạc. Phong trào nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các vị linh mục, các tình nguyện viên. Với những nghĩa cử cao đẹp trên, Bộ Y tế đánh giá Kim Sơn là địa phương đi đầu cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc. Đây là một đóng góp rất lớn của người dân Kim Sơn nói riêng, của tỉnh Ninh Bình nói chung trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, thời điểm COVID-19 bùng phát mạnh, địa phương gặp khó khăn trong tổ chức vận động cũng như thực hiện việc hiến tặng giác mạc. Từ năm 2023, phong trào tiếp tục phát triển mạnh trở lại, huyện phấn đấu tăng thêm số người đăng ký, cũng như làm tốt công tác tiếp nhận giác mạc. Kim Sơn chiếm gần 50% số người hiến giác mạc trong cả nước, đây là một con số rất đáng tự hào.



Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức, kỹ năng, tuyên truyền, vận động hiến giác mạc cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ngoài ra, Hội cũng phát huy vai trò của các tình nguyện viên nhằm nắm chắc về người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền, vận động họ và người thân cùng đăng ký hiến tặng. Đặc biệt, Hội còn tranh thủ phát huy uy tín, vai trò của các linh mục, các vị chức sắc tôn giáo, giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của phong trào đối với xã hội, từ đó số lượng người tham gia hiến giác mạc ngày càng tăng.

Những năm qua, việc người dân huyện Kim Sơn hiến giác mạc không còn là việc làm đơn lẻ mà đã lan tỏa rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh đã có 437 người hiến giác mạc, có tới 15.000 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Đây là minh chứng rõ nét nhất thể hiện hiệu quả, phản ánh sự tích cực, kiên trì, bền bỉ trong công tác vận động hiến giác mạc trên địa bàn. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tích cực tuyên truyền vận động người dân đăng ký hiến mô tạng; đồng thời kịp thời tôn vinh những tấm gương người thật, việc thật đã tình nguyện hiến mô tạng cũng như giác mạc, từ đó nâng cao nhận thức của người dân và thay đổi quan niệm của người dân hiến giác mạc.


Ông Kỳ khẳng định, hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là hoạt động nhân đạo; việc tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh để toàn xã hội hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc làm này, góp phần nhân lên tình yêu thương trong cuộc sống./.

Đức Phương


Tác giả: Ninh Đức Phương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết