Hoàn thiện khung pháp lý quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 165/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc sửa đổi này nhằm cụ thể hóa những điều chỉnh mới tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện những năm qua.
Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai
Theo Bộ Tài chính, tại khoản 2, khoản 3 Điều 67, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại Luật này và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng thời, Luật này cũng giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này; theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quốc hội đã thông qua Luật số 56/2024/QH15, Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đã điều chỉnh một số quy định về hình thức xử lý tài sản, trình tự và quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định tương ứng tại Nghị định số 165/2017/NĐ-CP để phù hợp với định hướng chính sách tại Luật số 56/2024/QH15, Luật số 90/2025/QH15.
Ngày 22/01/2024, Bộ Tài chính có Công văn số 890/BTC-QLCS gửi Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 165/2017/NĐ-CP. Trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá và đề xuất của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện Nghị định số 165/2017/NĐ-CP, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2017/NĐ-CP.
Trên thực tế, việc triển khai Nghị định số 165/2017/NĐ-CP tại các cơ quan Đảng còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều đơn vị như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị cấp tỉnh – vốn là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách địa phương – hiện chưa được đề cập cụ thể trong Nghị định. Ngoài ra, một số quy định như việc khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công suất, giao tài sản bằng hiện vật, thuê đơn vị quản lý vận hành, xử lý tài sản sau thu hồi… vẫn còn thiếu hướng dẫn rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện.
Một vấn đề nữa cũng gây khó khăn là việc xác định danh mục và giá trị tài sản của Đảng trong trường hợp hình thành từ nhiều năm trước, khi chưa có cơ chế phân biệt rõ giữa tài sản của Đảng và tài sản của Nhà nước. Do vậy, việc hạch toán, theo dõi, phân bổ nguồn thu từ thanh lý tài sản còn chưa thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý.
Từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định hiện hành. Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản đề nghị Chính phủ đưa nội dung sửa đổi nghị định vào chương trình công tác chính thức.
Từ các cơ sở nêu trên, theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam là cần thiết.
Mở rộng đối tượng
Dự thảo Nghị định sửa đổi đang được Bộ Tài chính xây dựng theo hướng mở rộng, cụ thể hóa đối tượng áp dụng. Không chỉ gồm các cơ quan của Đảng ở trung ương và địa phương, Dự thảo còn làm rõ phạm vi điều chỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp như trường chính trị, cơ quan báo đảng, đài phát thanh – truyền hình địa phương, cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cụ thể hóa này nhằm thống nhất trong cách hiểu và thực thi, tránh tình trạng lúng túng, thiếu căn cứ pháp lý như thời gian qua.
Dự thảo cũng sẽ bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giao nhận tài sản, khai thác, bảo trì, sửa chữa và xử lý tài sản công tại các cơ quan Đảng, đồng thời xác lập rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn giữa các cấp quản lý, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 165/2017/NĐ-CP là bước đi cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài sản công trong hệ thống cơ quan Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa phù hợp với định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý tài sản công hiện nay.