Đường ống dẫn khí thay thế 'Dòng chảy phương Bắc' liệu đã xuất hiện?
Khi hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên 'Dòng chảy phương Bắc 1' và 'Dòng chảy phương Bắc 2' buộc phải tạm ngừng hoạt động và giảm sản lượng vì lý do địa chính trị và sự cố cố rò rỉ, Nga đã đề xuất phương án thay thế bằng 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ'.
Đường màu xanh lá cây trong giản đồ là "Dòng chảy phương Bắc 1", đường đứt đoạn màu tím là "Dòng chảy phương Bắc 2", và hình nhỏ là vị trí đường ống bị phá hoại và rò rỉ vào cuối tháng trước. Nguồn: BBC
Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm khí đốt
Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, trước đây, Đức là trung tâm cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu. Nhưng vào tháng 6 năm nay, Nga đã cắt giảm 75% sản lượng khí đốt qua đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1", và vào tháng 8 năm nay, đường ống này đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Còn quá trình phê duyệt "Dòng chảy phương Bắc 2" đã bị chính phủ Đức đình chỉ vào tháng 2 năm nay.
Và hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hai ngày liên tiếp đã đề xuất xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên khác tới Thổ Nhĩ Kỳ và biến nước này thành trung tâm cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng, đường ống mới này có thể thay thế các đường ống "Dòng chảy phương Bắc", và có thể là một nhánh mới của "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".
Từ ngày 12 đến ngày 14/10 tại Matxcơva đã diễn ra diễn đàn "Tuần lễ năng lượng Nga". Tổng thống Putin đã có bài phát biểu vào ngày 12/10 và nói về ba vấn đề chính:
Thứ nhất, cần tăng cường cung cấp năng lượng cho các nước bạn bè châu Á và xây dựng các dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "có triển vọng" như "Sức mạnh Siberia 2" và đoạn ống qua Mông Cổ của nó.
Thứ hai, thiết lập một trung tâm cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển khối lượng khí đốt xuất khẩu hiện tại bị giảm do "Dòng chảy phương Bắc" ngừng hoạt động đến khu vực Biển Đen, và xây dựng một tuyến đường chính cung cấp nhiên liệu và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba, một nhánh không bị hư hại của đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" có thể cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, nhưng "van cung cấp khí đốt" nằm trong tay châu Âu. "Chúng tôi sẽ không xuất khẩu năng lượng sang những nước áp giá trần với Nga", ông Putin nói.
Ngày 13/10, khi Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) ở Astana, Kazakhstan, ông Putin đã đích thân nói với ông Erdogan về ý tưởng xây dựng một trung tâm cung cấp khí đốt cho châu Âu ở Thổ Nhĩ Kỳ, và nhấn mạnh rằng "Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường đáng tin cậy nhất hiện nay".
Hồi sinh "Dòng chảy phương Nam"?
Theo Thời báo Hoàn cầu, trên thực tế, ý tưởng này không phải là mới, Nga đã có một đường ống dẫn dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ và nó cũng xuất hiện trong "trò chơi địa chính trị".
Khoảng 10 năm trước, từ tháng 12/2012, Nga đã bắt đầu xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam" để dẫn khí đốt đến các nước Balkan ở châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng việc xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam" đã bị đình chỉ vào năm 2014 và trở thành một dự án thất bại.
Sau đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận liên chính phủ vào tháng 10/2016 cho đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", thực chất là một dự án thay thế "Dòng chảy phía Nam", khởi công xây dựng vào tháng 5/2017 và đến ngày 1/1/2020 thì bắt đầu cung cấp khí đốt sang Bulgaria.
Đường màu đỏ trong giản đồ là dự án "Dòng chảy phương Nam" đã bị dừng lại giữa chừng, đường màu xanh là "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đã được xây dựng. Nguồn: Gazprom
Thời báo Hoàn cầu nhận định, chỉ cần quan sát hai dự án này trên giản đồ sẽ thấy rằng, phạm vi truyền dẫn khí đốt tự nhiên của Nga trong "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" nhỏ hơn nhiều so với "Dòng chảy phương Nam" được quy hoạch vào năm đó.
Hiện tại, Tổng thống Putin đang đề xuất xây dựng một đường ống dẫn khí khác tới Thổ Nhĩ Kỳ, giống như "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ 2", hoặc có thể là một nhánh mới trên đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" như Phó Thủ tướng Nga nói. Dù bằng cách nào, mục tiêu đã đặt ra rất có khả năng là để kích hoạt những phần chưa hoàn thành của dự án " Dòng chảy phương Nam" năm đó.
Theo Thời báo Hoàn cầu, nếu suy nghĩ lạc quan, có lẽ Serbia và Hungary sẽ là hai nước được hưởng lợi đầu tiên từ đường ống mới của "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện tại, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đang leo thang, việc Nga hồi sinh đường ống dẫn khí đốt tự nhiên sang Nam Âu để phá vỡ thế bế tắc về xuất khẩu năng lượng sang châu Âu sẽ phải đối mặt với sự phản kháng lớn hơn so với khi đường ống "Dòng chảy phương Nam" được xây dựng trong quá khứ.
Sau khi Tổng thống Nga hai lần công khai thông báo việc này tới Thổ Nhĩ Kỳ, nước này vẫn hành xử khá thận trọng khi đối mặt với cám dỗ trở thành trung tâm khí đốt của châu Âu.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã không phản hồi ngay lập tức về kế hoạch biến nước này trở thành trung tâm cung cấp khí đốt cho châu Âu của Tổng thống Nga Putin tại Astana vào ngày 13/10.
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Denmez cho biết tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga vào ngày 12/10 rằng, còn quá sớm để bình luận về đề xuất của Nga về việc xây dựng một trung tâm năng lượng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các bên liên quan sẽ tìm hiểu xem đề xuất này có khả thi hay không.
Theo Hữu Hiển
Tổ quốc