• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diện mạo 3 thành phố trực thuộc, chiếm một nửa diện tích TP. HCM tương lai

Khu Nam TP. HCM và hai huyện Cần Giờ, Củ Chi được định hướng trở thành “thành phố thuộc thành phố”. Mô hình này sẽ chuyển các huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp.

 

Diện mạo 3 thành phố trực thuộc, chiếm một nửa diện tích TP. HCM tương lai

‏Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đề xuất phát triển thêm 3 thành phố trong TP.HCM gồm thành phố Nam Sài Gòn, thành phố Củ Chi và thành phố Cần Giờ. Ba thành phố có tổng diện tích 1169 km2, chiếm 57% diện tích TP.HCM. Trong đó, khu Nam TP. HCM được định hướng trở thành đô thị công nghệ và sinh thái nước, trọng tâm là đô thị sáng tạo, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí. Khu vực này được phê duyệt quy hoạch vào năm 1994 với diện tích 29,75 km2, bao gồm phần đất thuộc các quận: 7, 8 và huyện Bình Chánh nằm dọc theo trục đường Nguyễn Văn Linh. ‏

Khu Nam TP. HCM nổi bật với khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP. HCM). Đây là khu đô thị đầu tiên của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2008. Bên cạnh đó, Phú Mỹ Hưng là dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Hiện có khoảng 39.000 cư dân sinh sống tại đây, đặc biệt hơn 50% là người nước ngoài. Phú Mỹ Hưng đã trở thành hạt nhân trong sự phát triển của quận 7 và khu Nam thành phố. Bên cạnh đó, hàng loạt tên tuổi lớn trong nước như Hưng Thịnh, Him Lam… cũng tập trung khai thác thị trường bất động sản nơi đây. ‏

Khu Nam TP. HCM đang sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn, nổi bật là khu đô thị - cảng Hiệp Phước và khu chế xuất Tân Thuận, với vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 2,2 tỷ USD (trong đó 45 dự án FDI, vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD) và 2,1 tỷ USD (trong đố 170 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD). Trong hình là KCN Hiệp Phước có diện tích lớn nhất thành phố, khoảng 16,86 km2. ‏

Việc lựa chọn mô hình “thành phố trực thuộc thành phố” cho phép tồn tại đồng thời đơn vị hành chính phường và xã, trong khi để lên quận thì phải có 100% đơn vị là phường, mà phường là nội thị, không còn tồn tại đất nông nghiệp. Trong ảnh là đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh. Năm 2021, huyện Bình Chánh được phân bổ hơn 150 km2 ha đất nông nghiệp tập trung ở 16 xã, thị trấn. Gần 30 km2 đất đô thị được phân bổ tập trung ở những khu vực đang có tốc độ đô thị hoá cao như là Tân Kiên, Tân Túc, Vĩnh Lộc, Bình Hưng. Ngoài ra, huyện cũng có hơn 13 km2 đất nông nghiệp được chuyển đổi sang phi nông nghiệp.‏

Cách trung tâm thành phố khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhấp ở TP. HCM giáp biển với chiều dài 23 km và có diện tích lớn nhất thành phố: 704,22 km2. Mặc dù tách biệt, Cần Giờ lại có vị trí chiến lược đặc thù khi giáp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và biển Đông. Tương tự Nam TP. HCM, Cần Giờ lựa chọn phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc TP. HCM, trở thành thành phố du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển.‏

Cần Giờ có diện tích đất lâm nghiệp là 321km2, chiếm 46,45% diện tích toàn huyện; đất sông rạch là 228km2, bằng 32% diện đất toàn huyện. Nơi đây còn sở hữu cánh rừng ngập mặn với diện tích trên 330km2, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, mang nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Năm 2022, ước tính lượng khách du lịch đến huyện trong năm đạt 3.020.000 lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2021 (1.540.000 lượt). Doanh thu từ du lịch của huyện trong năm 2022 đạt khoảng 2.114 tỷ đồng.‏

Cơ sở hạ tầng của huyện cũng đang dần hoàn thiện và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của TP. HCM. Trong đó, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng) và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD) được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng Cần Giờ trở thành trung tâm kinh tế biển của thành phố. ‏

Huyện Củ Chi nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc TP. HCM, cách trung tâm 30 km về phía Tây Bắc theo đường Xuyên Á, có diện tích tự nhiên gần 434,8 km2, chiếm 21% diện tích toàn thành phố. Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn (khoảng 170 km2), “đất thép” Củ Chi có lợi thế phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn.‏

Củ Chi có tiềm năng hình thành trung tâm logistic của thành phố lẫn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP. HCM đang nỗ lực tạo thêm sự liên kết vùng mạnh mẽ cho huyện thông qua những dự án như đường Vành đai 3, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài và đường ven sông Sài Gòn… Trong ảnh là là QL22 (đường Xuyên Á) có đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 sẽ được cải tạo, nâng cấp với chiều dài 9,1 km, rộng 39,5 m, hai cầu vượt. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện đây tuyến quốc lộ duy nhất nối TP. HCM với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), thông thương các nước khu vực Đông Nam Á. ‏

Ngoài ra, với vị trí là cửa ngõ phía phía tây bắc kết nối thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Campuchia, nơi đây sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn của thành phố, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Các KCN như Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Isuzu Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Shopee… ‏

Bên cạnh các “thành phố thuộc thành phố”, liên danh tư vấn còn định hướng phát triển không gian tổng thể TP.HCM theo hai phân vùng khác là vùng trung tâm đô thị lịch sử, vùng trung tâm đô thị mở rộng. Vùng trung tâm đô thị lịch sử với tính chất chính là hành chính, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo... Vùng này bao gồm khu đô thị hành chính Sài Gòn và phụ cận các quận 1, 3, 4, 10; khu Chợ Lớn và phụ cận các quận 5, 6, 11; đô thị sân bay các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; đô thị ven sông hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp, một phần quận 12 và vùng đô thị công nghiệp là một phần quận Bình Tân.‏

Vùng trung tâm đô thị mở rộng có tính chất chính là dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược… Vùng này bao gồm một phần ngoài quốc lộ (vành đai 2) của quận 12 và quận Bình Tân; khu vực huyện Hóc môn, phía Bắc huyện Bình Chánh. Riêng Bình Chánh đang từng bước đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hoàn thiện xây dựng Cụm Y tế kỹ thuật cao Tân Kiên với quy mô 0,74 km2. Trong ảnh là Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã được đưa vào vận hành từ năm 2018. ‏

Quỳnh Hương

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...