Địa phương đang xây dựng kênh đào đắt nhất Việt Nam hứa hẹn tạo đột phá cho hạ tầng đường thủy
Kênh đào đắt nhất Việt Nam hiện đang được xây dựng tại khu vực phía Bắc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam từng cho biết, ông chưa chứng kiến dự án đường thủy nào tại Việt Nam có mức đầu tư lên tới 100 triệu USD và kênh Đáy - Ninh Cơ là hạng mục đường thủy lớn thứ 2 được Chính phủ Việt Nam đầu tư. Hạng mục lớn nhất là công trình kênh thủy lợi Bắc - Hưng - Hải.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng. Còn kênh đào nối sông Đáy với sông Ninh Cơ được xây dựng nhằm giảm chi phí vận tải và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa trên mạng lưới đường thủy miền Bắc. Kênh đào nối sông Đáy với sông Ninh Cơ hiện là kênh đào đắt nhất Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, công trình thuộc Dự án "Phát triển giao thông khu vực đồng bằng Bắc Bộ" (WB6) là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc với tổng mức đầu tư khoảng 107 triệu USD với các hạng mục chính gồm: Kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ và âu tàu; kênh dẫn vào âu tàu; bờ kè, đê phóng lũ.
Công trình kênh đào nối sông Đáy với sông Ninh Cơ tại Nam Định góp phần tạo ra sự đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang quá tải, ô nhiễm, ùn tắc.
Khi công trình hoàn thành sẽ giúp giảm 20% thời gian di chuyển của phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến cảng thủy Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình), giảm chi phí vận tải thủy, tạo động lực cho phát triển vận tải thủy và kinh tế - xã hội tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Sau khi việc cải tạo kênh hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải có thể lưu thông qua sông Ninh Cơ thuận lợi không phụ thuộc vào dòng nước, từ đó có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Phúc.
Theo Báo cáo logistics VN và thế giới, khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho nhiều tàu chở hàng container đi qua, thay vì phải tới cảng Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ như hiện nay.
Cửa đóng xả phía sông Đáy nặng gần 80 tấn, được làm bằng thép theo tiêu chuẩn Nhật. Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới. Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.
Công trình chiếm một phần đê phía sông Ninh Cơ. Giao thông đường bộ trên mặt đê được thay thế bằng một cây cầu kết cấu bê tông cốt thép, dài hơn 2,2 km, chiều cao tĩnh không 15 m.
Hơn nữa, công trình được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí vận tải và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa trên mạng lưới đường thủy của miền Bắc. Trong đó, hàng hóa đường thủy chủ yếu là nguyên liệu than, xi măng, gỗ, cát, đá… những mặt hàng rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp và xây dựng hạ tầng.
Kênh đào sẽ đi vào hoạt động sẽ mở thêm triển vọng cho vận tải đường thủy nội địa. Từ đó, công trình góp phần phát triển vận tải đa phương thức, tăng cường kết nối vùng, tối ưu hóa sử dụng và chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương.
Trên thực tế, Nam Định nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây, có nhiều tiềm năng phát triển vận tải đường thủy. Cụ thể, Nam Định có bờ biển dài 72km đi qua 3 huyện, hệ thống sông phong phú tổng chiều dài 536km, gồm 4 tuyến sông Trung ương (Hồng, Đáy, Ninh Cơ, Đào); 15 tuyến sông địa phương (có 2 tuyến là sông Vọp dài 15km; sông Múc dài 26,5km đã được UBND tỉnh công bố luồng tuyến, đưa vào khai thác).
Minh Tiến
Nhịp sống kinh tế