• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đang diễn ra sự kiện “Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội”

Ngày 9/11, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, quận Ba Đình (Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức “Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, sự kiện này nhằm bảo tồn, gìn giữ, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam; trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa đến các địa phương khác.

Bên cạnh đó, sự kiện còn quảng bá, tôn vinh các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề. Đồng thời khơi dậy tình yêu các nghề truyền thống của thế hệ trẻ, qua đó thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề. Ngoài ra, sự kiện còn tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề của Việt Nam với các nước trên thế giới. Kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm với các làng nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội có quy mô khoảng 120 gian hàng tiêu chuẩn được thiết kế, dàn dựng thành không gian chung trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tiểu cảnh trang trí. Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội trưng bày, quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, giới thiệu sự hình thành và phát triển của các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại đây, khách tham quan sẽ được xem các nghệ nhân tiêu biểu của các làng nghề biểu diễn làm các sản phẩm cũng như được trải nghiệm làm thử sản phẩm.

Cụ thể, thêu tay truyền thống kết hợp đờn ca tài tử Nam Bộ do Nghệ nhân thêu tay Lê Xuân Nguyên làng nghề thêu truyền thống Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội); quay tơ tằm do Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận ở làng nghề dệt lụa Phùng Xá (Hà Nội); dệt thổ cẩm do Nghệ nhân Cứ Thị Mỷ ở làng nghề dệt tại Cán Tỷ, Quản Bạ (Hà Giang); chế tác gốm do Nghệ nhân; thợ giỏi Nguyễn Trọng Nghĩa ở làng gốm cổ thôn 1 Giang Cao, Bát tràng Gia Lâm (Hà Nội); thếp vàng trên hình phật lá bồ đề do Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung ở làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ, Gia Lâm (Hà Nội); chế tác sản phẩm từ đồng do Nghệ nhân, thợ giỏi ở làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, Trúc Bạch, Ba Đình (Hà Nội)... thể hiện.

Tại sự kiện có sự tham gia của 29 làng nghề sẽ trình diễn sản phẩm tại Không gian trưng bày sản phẩm của mình trong suốt thời gian diễn ra Festival. Tiêu biểu như làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo truyền thuyết nghề khảm trai có ở Chuyên Mỹ từ rất sớm, khoảng thế kỷ XI - XIII do một tướng đời Lý (1009 - 1225) gây dựng nên. Trải qua bao thăng trầm, nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ vẫn được nhiều thế hệ người dân tiếp tục lưu truyền và phát triển. Với chất lượng tốt, mẫu mã ngày càng đa dạng phong phú, sản phẩm của Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ được đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. 

Làng nghề nặn tò he Xuân La ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên tính đến nay đã được gần 300 năm tuổi. Bằng khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những thúng bột nếp ngũ sắc, biến chúng thành những con tò he có hồn cốt với đủ hình thù phong phú. Những món đồ chơi dân gian ấy không chỉ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ, mà còn có sức hấp dẫn rất riêng với du khách quốc tế.  

Làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá, ở xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Bí quyết độc đáo tạo nên đặc sắc của áo dài đó là kỹ thuật cầm kim tay dọc, chỉ may được lấy từ chính mảnh vải dùng để may áo. Bằng bàn tay khéo léo, người thợ Trạch Xá đã làm nên những chiếc áo dài truyền thống vừa kín đáo, vừa tôn lên vóc dáng thanh thoát của người phụ nữ Hà Thành. Chính vì vậy đây là nơi ưa thích, chuyên may áo dài cho cung đình, vua chúa thời xưa. 

Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội kết thúc vào ngày 12/11/2023./. 

Nam Giang


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết