Công khai ngân sách địa phương: Còn mang tính đối phó
Dù quy định đầy đủ nhưng việc công khai ngân sách địa phương hiện vẫn còn khoảng trống, thậm chí có tình trạng công khai theo kiểu đối phó. Chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những giải pháp đẩy mạnh công khai ngân sách là địa phương tăng nguồn thu, thay vì nhận trợ cấp từ Trung ương.
Để đáp ứng việc công khai ngân sách, Bộ Tài chính xây dựng cả cổng thông tin công khai ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, từ khi xây dựng, mục tổng hợp tình hình thực hiện dự toán, từ năm 2018 tới nay, mỗi năm chỉ có từ 37-41 địa phương gửi báo cáo, hơn 20 địa phương không gửi báo cáo lên cổng thông tin công khai ngân sách.
Trước thực tế nhiều địa phương coi nhẹ, không thực hiện công khai ngân sách chi tiêu, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và Hội Nhập vừa công bố kết quả nghiên cứu thực tiễn về công khai ngân sách Nhà nước và sự tham gia của người dân vào chu trình ngân sách. Theo kết quả nghiên cứu thực địa tại hai tỉnh Điện Biên và Bà Rịa-Vũng Tàu, vẫn còn một số khoảng trống giữa văn bản pháp luật và quá trình triển khai thực tế. Việc công khai ngân sách mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh.
Đại diện nhóm nghiên cứu của VESS, ông Nguyễn Văn Long cho biết, tài liệu ngân sách như dự thảo dự toán, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm chưa rõ ràng, khó xác định. Chưa có quy định về hình thức công khai trực tuyến với tài liệu ngân sách xã và các quỹ ngoài ngân sách. Ngay quy định về việc công khai ngân sách xã tại trụ sở UBND xã trong thời gian tối thiểu 30 ngày không được thực hiện đầy đủ, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận thông tin.
“Khi chúng tôi khảo sát về công khai ngân sách cấp xã ở Điện Biên, tài liệu công khai tại UBND rất mới, chưa bám bụi. Ở nhiều đơn vị cấp huyện, xã, chưa có chế tài xử lý chậm và không công khai tài liệu ngân sách. Một số địa phương khó khăn nhận trợ cấp ngân sách Trung ương thường có tỷ lệ công khai ngân sách kém hơn địa phương phát triển”, ông Long cho biết.
Bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) cho rằng, thực hiện công khai thông tin, tài liệu ngân sách Nhà nước sẽ giúp các cấp chính quyền địa phương tuân thủ hơn việc thực hiện chính sách, pháp luật.
“Tại Điện Biên - nơi phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự nghiêm túc. Có bằng chứng thực địa cho thấy, việc công khai tài liệu mang tính chất đối phó, phục vụ cho mục đích khảo sát của nhóm nghiên cứu chứ chưa xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin cho người dân”, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết.
Tỉnh nghèo kém minh bạch ngân sách?
Theo Bộ Tài chính, nhiều địa phương miền núi phía Bắc hằng năm vẫn phải nhận ngân sách Trung ương chi bổ sung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang… Lựa chọn Điện Biên - địa phương nhận ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 84% (dự toán năm 2023), nghiên cứu của VESS chỉ ra thực trạng thiếu minh bạch của tỉnh “nghèo”.
Trả lời nhóm nghiên cứu, đa số người dân thị trấn Điện Biên Đông chưa từng nghe thuật ngữ chuyên môn như “dự toán” hay “quyết toán” ngân sách; một số không nắm rõ quyền lợi của mình khi nộp thuế. Có người dân cho biết, không dám hỏi hay thắc mắc mỗi khi đi họp hay tiếp xúc cử tri vì sợ bị mắng, bị ghét bỏ nên không đi họp nữa.
“Tại Điện Biên - nơi phần lớn ngân sách các cấp đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, việc thực hành công khai tại các cấp cơ sở chưa thực sự nghiêm túc. Bằng chứng thực địa cho thấy, việc công khai tài liệu mang tính chất đối phó, phục vụ cho mục đích khảo sát của nhóm nghiên cứu chứ chưa xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin cho người dân. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu - người dân đóng góp tương đối nhiều vào ngân sách thì việc thực hiện công khai ngân sách cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân”, nghiên cứu của VESS chỉ ra.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, minh bạch ngân sách của địa phương gặp khó khăn một phần do trình độ hiểu biết của người dân chưa cao. Vì vậy, nhiều người dân chưa quan tâm đến việc công khai ngân sách. Thậm chí, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý “tiền Đảng, Nhà nước cho nên được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không ý kiến”. Với địa phương phát triển, người dân giám sát việc công khai ngân sách tốt hơn do ngân sách tiền thuế của mỗi người dân đóng góp.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giải pháp tốt nhất để minh bạch ngân sách là từng địa phương phải tìm cách tăng thu ngân sách. Khi tăng thu nguồn thu tại chỗ, không phụ thuộc từ trợ cấp Trung ương, địa phương sẽ có trách nhiệm giải trình, minh bạch với người dân. Cùng đó, để tăng thu ngân sách, địa phương phải đổi mới, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phát triển điều kiện kinh tế.
“Để trở thành nước kinh tế phát triển tiên tiến, một quốc gia phải có 24 doanh nghiệp trên tổng số 1.000 người dân trên 18 tuổi. Hiện Việt Nam chỉ có trung bình 2,2 doanh nghiệp/1.000 người dân. Nhiều địa phương phát triển doanh nghiệp tốt như TPHCM có nguồn thu ngân sách lớn, phải điều tiết về Trung ương. Địa phương phải tìm cách phát triển doanh nghiệp hiệu quả từ đó thu ngân sách mới có thể tăng”, ông Doanh nói.
Theo Ngọc Linh
Tiền phong