• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công bố lệnh của Chủ tịch nước với 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Tham dự họp báo còn có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Phạm Thanh Hà cho biết, 9 luật được công bố gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trình bày những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Sau 15 năm triển khai thi hành luật, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung với các lý do sau:

Thứ nhất, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động tạo nên thách thức lớn như thuế phát thải các-bon (ETS), cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu gây sức ép lên thị trường xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản.

Thứ hai, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang thiếu các cơ chế tài chính hỗ trợ trong việc tuân thủ các quy định xanh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin tại họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài thông tin tại họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn

Về mục đích ban hành và quan điểm của luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin: Một là, thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hai là nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của châu Âu (Green Deal) như thuế phát thải các-bon, cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng.

Ba là, góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Phát triển công nghiệp hóa chất

Bên cạnh đó, về Luật Hóa chất, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho hay, xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất.

Đồng thời cũng sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của Luật Hóa chất theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng, phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

6 luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026 gồm: Luật Nhà giáo; Luật Hóa chất; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Việc làm.

Còn các luật: Luật Ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/8/2025; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/10/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...