• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có thể xem xét thay thế cán bộ nếu sợ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công

Theo công điện về việc đôn đốc mạnh giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai, Bình Phước và Bình Thuận là ba địa phương bị phê bình vì đạt tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình. Nhiều giải pháp đang được các địa phương đưa ra để thúc đẩy tiến độ thực hiện công tác này.

 

Nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ

Năm 2024, tỉnh Đồng Nai được giao giải ngân hơn 20.400 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến cuối tháng 9/2024, tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được hơn 7.800 tỷ đồng, đạt hơn 38% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách của Trung ương mới đạt hơn 970 tỷ đồng trong tổng số hơn 2.500 tỷ đồng.

Bình Thuận và Bình Phước cũng là một trong hai địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Theo ngành chức năng của tỉnh Bình Phước, năm 2024, địa phương được giao hơn 5.575 tỷ đồng, tăng 509 tỷ đồng so với năm 2023. Nhưng đến tháng 9/2024, địa phương mới giải ngân được hơn 1.486 tỷ đồng, đạt 26,8% so với chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 26,7% so với kế hoạch năm tỉnh giao.

Trong khi Bình Thuận được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 4.631 tỷ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 1.650 tỷ đồng, đạt hơn 35% so với kế hoạch.

Có thể xem xét thay thế cán bộ nếu sợ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công- Ảnh 1.

Bình Phước đang tìm các nguồn thu khác để có nguồn giải ngân (ảnh: B.P)

Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp là do tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm so với yêu cầu; công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án còn chậm.

Điển hình như Đồng Nai, tại dự án trọng điểm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đến nay công tác giải ngân đầu tư công cho bồi thường hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2 mới đạt hơn 5%.

Nguồn vốn đầu tư công của Bình Phước phụ thuộc rất lớn vào nguồn tiền thu được từ việc đấu giá đất (chiếm tới 67,3% tổng vốn). Nhưng do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, việc đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra không thuận lợi khiến tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các dự án khởi công năm 2024 cũng gặp phải một số vướng mắc như thủ tục đầu tư chưa hoàn thiện và công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ.

Có thể xem xét thay thế cán bộ nếu sợ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công- Ảnh 2.

Lễ động thổ khởi công xây dựng chung cư Cà Ty - Một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Đ.P)

Là trong một những điểm sáng của Bình Phước trong giải ngân đầu tư công, đến nay huyện Bù Đốp đã đạt tỉ lệ giải ngân 54%, nhưng để cán đích giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đặt ra trong năm 2024, địa phương phải vượt lên được lực cản về việc giảm thu ngân sách với việc áp dụng Luật Đất đai năm 2024 đấu giá 3 khu đất, đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn thu mới.

Ông Lê Quang Oanh - Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, cho biết: "Sau khi có hướng dẫn mới để thực hiện Luật Đất đai 2024 trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, huyện sẽ tính toán để thu từ nguồn sử dụng đất, đất giá sử dụng đất và các nguồn thu khác. Về giải ngân về cơ bản khối lượng công trình, dự án đã có nhưng nguồn giải ngân thì đang gặp khó khăn nên huyện đang cố gắng. Từ giờ đến cuối năm sẽ xem xét việc thu từ nguồn sử dụng đất được bao nhiêu sẽ tính toán giải ngân cho các dự án, công trình".

Nếu sợ trách nhiệm, sẽ thay thế người khác

Với một địa bàn triển khai thi công các dự án giao thông liên vùng trọng điểm quốc gia như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 – TP.HCM… khi các địa phương khác trong Vùng đã có khối lượng xây lắp rất lớn, thì Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Xếp vị trí thứ 52/63 tỉnh, thành về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đánh giá, một phần nguyên nhân đến từ đội ngũ cán bộ được giao trách nhiệm.

Để thực hiện cam kết giữa UBND tỉnh Đồng Nai với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương có đường cao tốc phải hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ còn tồn đọng trước ngày 10/10, tính toán các phương án tái định cư cho người dân.

Có thể xem xét thay thế cán bộ nếu sợ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công- Ảnh 3.

Đồng Nai kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án hạ tầng

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức còn yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng lại đường gantt giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị theo từng tuần, tháng từ nay đến cuối năm. Đồng thời thành lập các tổ công tác để làm việc với địa phương, chủ đầu tư, kiểm tra, đôn đốc tiến độ từng dự án.

Riêng với vai trò của cán bộ trong giải ngân đầu tư công, ông Võ Tấn Đức khẳng định: "Bí thư Tỉnh uỷ đã đưa ra thông điệp là cán bộ nào mà sợ trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ thì nên sớm làm đơn cho Tỉnh uỷ xem xét, thay thế người khác làm. Lúc này cần những cán bộ mạnh mẽ, có trách nhiệm, có bản lĩnh để đưa Đồng Nai và xã hội phát triển".

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 37 dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, với tổng kế hoạch vốn năm 2024 bố trí là hơn 561 tỷ đồng.

Còn 18 dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, với tổng kế hoạch vốn năm 2024 bố trí là trên 1.104 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được hơn 134 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch vốn được giao.

Giải pháp được Bình Thuận đưa ra là yêu cầu các chủ đầu tư chậm nhất trong tháng 10/2024 phải hoàn thành xong công tác đấu thầu đối với 37 dự án được bố trí vốn khởi công mới năm 2024.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các sở ngành liên quan tập trung làm giá đất để kịp thời tiến hành giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa tái định cư cho các dự án.

Theo Duy Phương – Thiên Lý – Đoàn Sỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...