Có gì bên trong khoang tàu khách "5 sao" tuyến Hà Nội - Đà Nẵng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam?
Tại khoang hàng ăn, toàn bộ nội thất toa xe dã được làm mới hoàn toàn để hành khách có thể thoải mái ngồi thưởng thức cà phê hay các bữa ăn trên tàu và ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên bên ngoài.
Ngày 20/10 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chạy đoàn tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội – Đà Nẵng SE19/SE20. Tuyến tàu chất lượng cao này có nhiều thay đổi và cung cấp nhiều tiện ích cho hành khách.
Cùng với đó, VNR cũng triển khai đưa vào khai thác phòng đợi VIP phục vụ khách đi tàu. Theo đó, hành khách đi tàu SE19/SE20 hoặc 1 số tàu chất lượng cao khác sẽ được bố trí phòng ngồi đợi tàu và có lối ra ga, lên tàu riêng.
Vận tải hành khách tăng cao trong 9 tháng đầu năm
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, "Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại".
Số liệu cung cấp từ Tổng cục Thống kê cho thấy nhu cầu đi lại trong tháng 9/2023 tăng cao hơn tháng trước nên hoạt động vận tải trong tháng 9 duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hành khách tăng 5,7% và luân chuyển hành khách tăng 24,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,5% và luân chuyển hàng hóa tăng 8,7%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách bằng tất cả các phương tiện đều có xu hướng tăng, tuy nhiên, tăng nhanh và mạnh nhất là loại hình vận tải bằng đường sắt. Vận chuyển hành khách trong lĩnh vực đường sắt tăng 44,4% với với số hành khách vận chuyển là 4,9 triệu lượt, luân chuyển đạt 1,8 tỷ lượt khách.km.
Trước đây, vận tải bằng đường sắt là một lực lượng vận tải chủ lực. Tuy nhiên, theo thời gian, hình thức vận tải này đã trở nên kém hấp dẫn hơn với hầu khắp các khách hàng. Nguyên nhân là do hệ thống đường sắt vẫn đang trong tình trạng lạc hậu cả về hạ tầng, thông tin tín hiệu và đầu máy toa xe trong khi nguồn lực để đầu tư hệ thống mới là rất lớn, chưa thể thực hiện nay. Chi phí vận hành và bảo trì hệ thống đường sắt lớn trong khi năng lực không thể tăng, hiệu quả thấp.
Theo đánh giá của Tổng Cục Thống kê, sau hơn 5 năm tái cơ cấu, bộ mặt đường sắt cũng có một số chuyển biến tích cực nhưng do trong nhiều năm, vốn rót cho đầu tư hiện đại hóa đường sắt rất thấp, chủ yếu chỉ để duy tu, sửa chữa nhỏ lẻ nên sự thay đổi chưa thực sự đi vào chiều sâu, hạ tầng vẫn lạc hậu, chất lượng dịch vụ không cạnh tranh được với các ngành đường khác, dẫn đến sản lượng ngày càng giảm hoặc mất dần thị phần. Trong khi đó, các ngành vận tải khác lại được đầu tư rất lớn với nguồn lực đa dạng, từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn ODA và xã hội hóa. Sự bất cân đối đó đã đẩy đường sắt vào thế càng ngày càng khó khăn và chật vật để tồn tại.
Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường đổi mới, giảm thiểu thực trạng lạc hậu, kém phát triển của ngành đường sắt Việt Nam. Với sự quan tâm của Chính phủ và sự quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, hy vọng trong giai đoạn tới đường sắt Việt Nam sẽ có sự thay đổi tích cực, phát triển xứng tầm với vai trò và vị trí vốn có của ngành.
Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Báo Chính Phủ