Cao tốc 10.000 tỷ đồng nối đến điểm du lịch nổi tiếng, xây cầu kỷ lục vượt hồ nước lớn top đầu Việt Nam
Điều ấn tượng trên tuyến cao tốc trị giá gần 10.000 tỷ đồng này là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất cả nước, bắc qua hồ nước lớn top đầu Việt Nam.
Ngày 29/9, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2028. Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe có tổng diện tích khoảng 354,37 ha.
Tỉnh Hòa Bình được phân cấp thực hiện dự án, nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Đây là công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải và là tuyến cao tốc đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Dự án có điểm đầu tại thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, khớp nối với đoạn Km0 - Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; điểm cuối tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khớp nối với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn tuyến tại tỉnh Sơn La. Trong đó, Mộc Châu là điểm du lịch hàng đầu tại miền Bắc.
Dự án có các công trình hầm cũng như các cầu đặc biệt có trụ cao trên 50 m, phương án kiến trúc được lựa chọn bảo đảm về mỹ quan, phù hợp với văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Trong đó, điểm nhấn là công trình cầu Hòa Sơn vượt hồ Hòa Bình, nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Dài khoảng 1,2 km, đây là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550 m), trụ tháp dây văng cầu cao nhất Việt Nam (187 m).
Hồ Hòa Bình hay hồ thủy điện Hòa Bình là công trình chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đây là hồ chứa nước nhân tạo lớn top đầu Việt Nam, nằm trên sông Đà, có chiều dài 230 km từ Hoà Bình đi Sơn La. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Về phân kỳ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch; chiều rộng nền đường 12 m; xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô bảo đảm bố trí 4 làn xe theo giai đoạn hoàn thiện. Tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư giai đoạn hoàn thiện (nâng cấp lên 4 làn xe) cho dự án này.
Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị sớm cho phép điều chỉnh đoạn tuyến từ Km0 - Km19 tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) bằng nguồn vốn đầu tư công và đầu tư xây dựng cao tốc hoàn thiện 4 làn xe.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 6 ý nghĩa lớn
Đối với vùng Tây Bắc (gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình), Thủ tướng đánh giá hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng hiện đang rất khó khăn (mới chỉ có 1 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai). Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Thủ tướng lấy ví dụ, Sơn La đã phát triển các loại nông sản rất tốt, nhưng vì hạ tầng giao thông khó khăn nên làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo thuận lợi cho các nông sản của Sơn La tham gia chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Vì vậy, việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03), trong đó có Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có 6 ý nghĩa lớn.
Thứ nhất, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về 3 đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng.
Thứ hai, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng, theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tỉnh Hòa Bình tham gia xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia.
Thứ ba, góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới, kết nối vùng trung du miền núi phía bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế.
Thứ tư, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (về cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch); tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Thứ năm, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ về quốc phòng, an ninh, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế tại khu vực chiến lược Tây Bắc.
Thứ sáu, đáp ứng mong mỏi của nhân dân vùng Tây Bắc và đền đáp, tri ân những người đã hy sinh, cống hiến, nhân dân Tây Bắc đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng, của toàn dân tộc ta.
Quá trình chuẩn bị đầu tư dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm; trình tự thủ tục đầu tư rút ngắn khoảng 1 năm so với dự án bình thường; phân cấp đầu tư cho địa phương làm cơ quan chủ quản; nguồn vốn đầu tư gồm Trung ương và địa phương.
Thủ tướng đề nghị rút ngắn tiến độ, hoàn thành dự án trước 31/12/2027, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống thông thầu, mua bán thầu; song song với đó xây dựng dự án giai đoạn 2 để mở rộng, đầu tư hoàn thiện dự án.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ Hòa Bình; các tỉnh Sơn La, Điện Biên tiếp tục xây dựng dự án, hoàn thành thủ tục đầu tư để hoàn thiện các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT.03).
Thủ tướng kêu gọi nhân dân Hòa Bình tiếp tục ủng hộ dự án, hỗ trợ các nhà thầu, chủ đầu tư, phát huy truyền thống văn hóa – lịch sử, tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, đóng góp xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào khai thác bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, mỹ quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Hòa Bình, của vùng và cả nước.
Theo Thái Hà