Bình Thuận còn 45 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Tỉnh Bình Thuận đã thông qua chủ trương sắp xếp với tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, đồng thời ‘chốt’ số lượng đơn vị hành chính cấp xã.
Thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông
Ngày 29/4, thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, HĐND tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Trung ương; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay, có diện tích tự nhiên 24.233,07 km2 và quy mô dân số 3.872.999 người.
Bình Thuận có 45 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Ảnh: Báo Bình Thuận |
Trước đó, theo nội dung Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông, trong quá trình thống nhất đất nước và tiến hành đổi mới, các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh trong đó có Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình đổi mới và cải cách hành chính nhằm xây dựng một bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh, thành phố được xem là một trong những giải pháp chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu trên. Chủ trương này đã được thể hiện rõ trong Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, nhấn mạnh việc rà soát, sắp xếp lại các ĐVHC không còn phù hợp về quy mô diện tích, dân số, đảm bảo tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Nội dung đề án cũng nêu rõ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ giáo dục và y tế) thuộc các sở, ban, ngành. Tại thời điểm hợp nhất, tiếp nhận để bố trí tổng số biên chế công chức có mặt của cả 3 địa phương Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông với số người có mặt là 3.254/3.762 tổng biên chế được giao, biên chế sự nghiệp (cấp tỉnh, không tính giáo dục, y tế) là 914. Hợp nhất nguyên trạng các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ mang tính tương đồng hoặc tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành. Từ năm 2026 trở đi sẽ thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền…
Bình Thuận có 45 đơn vị hành chính cấp xã
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, các đại biểu HĐND tỉnh (khóa XI), nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng đã thông qua dự thảo Nghị quyết về thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Bình Thuận năm 2025.
Theo Nghị quyết, sau sắp xếp Bình Thuận có 45 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 36 xã, 8 phường và 1 đặc khu (Phú Quý); giảm 76 ĐVHC cấp xã, đạt tỷ lệ 62,80% (gồm 56 xã, 8 phường và 12 thị trấn).
Các phường, xã mới sau khi sắp xếp đều đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đặt tên, đổi tên các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp phù hợp với các yếu tố lịch sử truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; phù hợp theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đúng theo quy định, được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ cao.
Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Bình Thuận cũng nêu rõ sau khi sắp xếp, các ĐVHC cấp xã sẽ củng cố kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, điều lệ của các tổ chức và hướng dẫn của bộ ngành Trung ương và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Theo đó, HĐND cấp xã thành lập 2 ban chuyên môn giúp việc là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh hiện có 2.825 đại biểu HĐND cấp xã. Đại biểu HĐND ở các ĐVHC trước khi sắp xếp được hợp thành HĐND ở ĐVHC cấp xã mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Về UBND cấp xã, số lượng, cơ cấu thành viên UBND thực hiện theo quy định của Chính phủ. Dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu), gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế; Phòng Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.
Về thôn, khu phố tiếp tục được xác định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước mắt giữ nguyên thôn, khu phố hiện có; sau khi sắp xếp, các ĐVHC cấp xã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các thôn, khu phố theo quy định, bảo đảm tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đề án sắp xếp ĐVHC cũng nêu rõ phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp ĐVHC. Theo đó, dự kiến biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể). Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã (số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp huyện hiện có là 767 biên chế). Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại cấp xã và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo trong thời hạn 5 năm cơ bản đúng theo quy định của Chính phủ. |