9 nhiệm vụ để phong trào "người tốt, việc tốt" trở thành động lực phát triển Thủ đô
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Việc làm thường xuyên, lâu dài
Chỉ thị nêu rõ, thực hiện mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời, Hà Nội - Thủ đô của cả nước ngày càng có nhiều gương người tốt, việc tốt và ý kiến của Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng về việc phát động phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt"; Để Hà Nội thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, ngày 28/3/1992, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" ở Thủ đô.
Thành phố xác định, đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô vững mạnh.
Sau 30 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Thủ đô; Phong trào "Người tốt, việc tốt" của thành phố đã được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, ngày càng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực công tác và các mặt của đời sống xã hội Thủ đô.
Cùng với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của Trung ương và thành phố, phong trào "Người tốt, việc tốt" đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Thủ đô. Qua phong trào, đã phát hiện, biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực hoạt động, công tác với nhiều nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, đóng góp cho cộng đồng và xã hội; Góp phần gìn giữ, vun đắp những giá trị truyền thống cao quý và nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào "Người tốt, việc tốt" ở một số địa phương, đơn vị cơ sở thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức; Việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" theo thẩm quyền và đề nghị cấp trên khen thưởng chưa thực hiện thường xuyên, kịp thời; Công tác tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt chưa hiệu quả, tính lan tỏa chưa cao...
9 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện
Tại Chỉ thị số 20-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu 9 nhóm nhiệm vụ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện. Tất cả để phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện tốt chiến lược con người của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và xây dựng "Người tốt, việc tốt"; Tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa trong tư tưởng, nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô về phong trào "Người tốt, việc tốt";
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong tổ chức thực hiện, đưa phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị.
Các cấp, các ngành phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, phong trào "Người tốt, việc tốt" theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị và phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị; Định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để triển khai hiệu quả phong trào; Đồng thời, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, các gương điển hình.
Trong quá trình thực hiện, cần gắn phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" với các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và thành phố phát động; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Các cấp ủy Đảng, các đơn vị từ thành phố đến cơ sở chủ động phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt"; Kịp thời biểu dương, tôn vinh các gương điển hình và tổ chức thi đua học tập, làm theo các mô hình, điển hình của ngành, địa phương, đơn vị; Tập trung nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác; Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp...
Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thường xuyên sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, bảo đảm ổn định, có tính kế thừa và phù hợp với các quy định; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng...
Ban Thường vụ Thành ủy giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan như: Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố. Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ thị; Định kỳ đánh giá, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện chỉ thị.