Tỷ phú 9x tiết lộ bí mật giúp Tiktok ‘lên như diều gặp gió’
Evan Spiegel, CEO Snapchat, tỷ phú tự thân 9x, đã tiết lộ bí mật giúp Tiktok tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây. TikTok được mô tả là đối thủ cạnh tranh “nổi bật nhất” trong các ngành công nghiệp truyền thông, nội dung và sáng tạo. Nền tảng này đã đầu tư mạnh tay để mở rộng quy mô và thâu tóm lượng lớn người dùng.
Với hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng, TikTok - nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội đình đám đến từ Trung Quốc - đã nghiễm nhiên trở thành một thế lực khiến cho nhiều công ty truyền thông xã hội Mỹ thấy “lép vế”.
“Tiktok khiến ai cũng phải khiếp sợ”, Scott Galloway, giáo sư chuyên ngành marketing Trường kinh doanh NYU Stern, người đồng dẫn chương trình podcast “Pivot” với Kara Swisher, đã chia sẻ với CEO Snap, Evan Spiegel tại sự kiện Code Conference diễn ra mới đây.
CEO Snap, Evan Spiegel trao đổi với Scott Galloway, Kara Swisher tại sự kiện Code Conference diễn ra mới đây. Ảnh: Getty Images.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, TikTok đang ngày càng thu hút giới trẻ hơn so với Facebook, Instagram, YouTube và Snapchat. Thậm chí, đại dịch Covid-19 cũng đã giúp nền tảng này tiếp cận dễ dàng hơn với những người dùng lớn tuổi tại Mỹ.
Điều đáng nói là, trong khi sức hút của Tiktok đang lan rộng khắp nước Mỹ, thì ở chiều ngược lại, các trang mạng xã hội nước này lại bị Trung Quốc “cấm sóng” và kiểm soát khắt khe. Nhà báo Kara Swisher nhận định, điều này khiến TikTok dường như đang “giành miếng bánh” của họ.
Chính trị gia và nhiều CEO công nghệ truyền thông hàng đầu thế giới đã bày tỏ quan ngại trước sự phát triển thần tốc của TikTok và thậm chí, kêu gọi cấm nền tảng video này.
“Quy mô đầu tư của TikTok là thách thức lớn nhất đối với các công ty tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới”, CEO Snap chia sẻ.
"Không ai có thể tưởng tượng được mức đầu tư ByteDance đổ vào thị trường Mỹ nói riêng và châu Âu nói chung lại khủng khiếp đến vậy. Bởi lẽ, không một công ty khởi nghiệp nào đủ khả năng đầu tư hàng tỷ USD để thu hút người dùng như vậy”, Spiegel khẳng định. “Đó là chiến lược hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ công ty công nghệ nào, vì nó không tập trung vào sáng tạo, mà là chi tiền để thâu tóm lượng lớn người dùng”.
Chính lượng người dùng khổng lồ ấy đã giúp tối ưu hoá thuật toán gợi ý nội dung cho Tiktok một cách vượt trội. "Điều nay giúp Tiktok vượt lên vị trí dẫn đầu chỉ trong một thời gian rất ngắn. Nền tảng này đã thay đổi được thị hiếu và tiếp cận cá nhân hoá nhiều hơn, từ đó tạo được thói quen cho người dùng khiến các dịch vụ khác khó lòng chen chân được vào”, CEO này giải thích thêm.
Spiegel cũng cho biết Snap sẽ cạnh tranh với TikTok bằng cách tiếp tục tập trung vào kết nối với gia đình và bạn bè, thay vì người lạ - một cách tiếp cận mà theo ông là cốt lõi cho thành công của Snap.
Trong khi đó, CEO Google, Sundar Pichai đánh giá TikTok là một trong những đối thủ mới nhất, lớn nhất của công ty này, đặc biệt là đối với YouTube. Ông thừa nhận cạnh tranh ở mảng công nghệ “đang cực kỳ khắc nghiệt” và hiện hữu ở khắp nơi.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Amy Klobuchar, người đứng đầu đạo luật chống độc quyền công nghệ nhắm vào các ông lớn Google, Apple, Amazon và Meta, cảnh báo rằng TikTok cũng có thể sớm gia nhập nhóm “quyền lực” này.
Trong khi đó, theo Forbes, chỉ trích lớn nhất tại Code Conference dành cho TikTok có lẽ đến từ ông Mathias Dopfner, CEO của Axel Springer, đơn vị xuất bản sở hữu những trang thông tin như Insider, Politico và Protocol. Dopfner mô tả TikTok là đối thủ cạnh tranh “nổi bật nhất” trong các ngành công nghiệp truyền thông, nội dung và sáng tạo và kêu gọi cấm nền tảng này.
“TikTok nên bị cấm ở mọi nền dân chủ", Dopfner nói. “Thật ngớ ngẩn khi không làm như vậy. Facebook, Google, Amazon và các nền tảng khác của chúng ta không thể hoạt động tại Trung Quốc, vậy tại sao chúng ta lại cho phép họ đóng vai trò thống trị trong nền kinh tế thị trường tự do của mình?”.
Ông nhấn mạnh, “về lâu dài, chúng ta sẽ thấy được hậu quả của sự phụ thuộc này. Nó sẽ không chỉ là hậu quả kinh doanh mà còn tác động lớn đến các yếu tố chính trị”.
Mặc dù vậy, Dopfner thừa nhận hiện ông chưa có giải pháp thay thế. “Tôi không thể đảm bảo chúng ta có thể duy trì đến lúc nào. Chúng ta có lẽ đang ở thời điểm mà gọi đơn giản là không đủ khả năng, bởi vì quá nhiều người dùng trẻ đã chuyển sang gắn bó với Tiktok rồi", ông nói.
Cựu phát ngôn Nhà Trắng, bà Jen Psaki cho rằng lựa chọn Tiktok hay không là một sự đánh đổi. Theo bà, mặc dù có thể gặp rắc rối khi bị giám sát bởi nền tảng Trung Quốc này, nhưng “không dùng TikTok cũng là một trở ngại lớn”, bởi khi ấy, “bạn đang tự loại mình khỏi cuộc chơi toàn cầu”.
Theo Forbes
Theo Hồng Ngọc
Người đồng hành