Ông Hoàng Nam Tiến khuyên GenZ: “Mới ra trường hãy cố kiếm thật nhiều tiền, chứ làm việc mình thích cơ bản không ra tiền đâu!”
“Nếu hiện tại mức lương của em là 12 triệu đồng/tháng. Có một công ty khác mời em về làm việc với mức lương 24 triệu đồng/tháng, thì em có đồng ý hay không?”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến ướm hỏi một bạn trẻ.
Lương thưởng và phúc lợi là lý do thu hút người lao động, đồng thời cũng sẽ là lý do ra đi của họ. Báo cáo "Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm – Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương hiện hành của người lao động" của Navigos Group cho biết: Kỳ vọng không ngừng về lương, thưởng, phúc lợi từ người lao động là thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Lương cũng là câu chuyện được lồng ghép vào màn phản biện mới đây trong chương trình “Cơ hội cho ai?” với câu hỏi: Tăng lương có phải là cách tốt nhất để giữ chân nhân viên?
Nguyễn Trần Thiên Phú, 29 tuổi, cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Duy Tân cho rằng tăng lương là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ trong việc giữ chân nhân viên.
Phú dẫn mô hình của Tháp nhu cầu Maslow, khi con người được đáp ứng những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở, an toàn, thì họ có xu hướng cần được thỏa mãn ở những nhu cầu cao hơn. Và nhu cầu được kính trọng, được thể hiện bản thân là những yếu tố nằm trên đỉnh tháp. Việc các sếp trong doanh nghiệp biết ghi nhận những đóng góp của nhân viên, quyết định việc nhân viên đó có gắn bó với doanh nghiệp hay không. Ngoài ra, môi trường làm việc thân thiện như ngôi nhà thứ hai sẽ giữ chân nhân viên lâu dài.
Còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích!
Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom
Phú là một chàng trai nghị lực, vì một số biến cố trong cuộc sống phải hoãn việc học phổ thông trong vòng 5 năm.
Đối thủ của anh là Hoàng Thị Giang Na, 22 tuổi, hiện đang theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội. Giang Na là cô gái dân tộc Nùng - một dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh vùng cao Hà Giang. Bố không may qua đời vì COVID-19, cô gái sinh năm 2000 trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ.
Giang Na khẳng định tăng lương là điều kiện cần thiết và tiên quyết trong việc giữ chân nhân viên.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, Giang Na quả quyết tăng lương chính là điều kiện cần thiết và tiên quyết trong việc giữ chân nhân viên, vì lương chính là nguồn thu nhập giúp chúng ta có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống.
“Khi quyết định đầu quân về một doanh nghiệp nào đó, thì lương là điều mà chúng ta nhìn vào đầu tiên, để xem có phù hợp với nhu cầu của bản thân hay không. Bên cạnh đó, việc tăng lương chính là sự ghi nhận giá trị của nhân viên, giúp họ có thêm động lực để gắn bó và phát triển tại doanh nghiệp”, Giang Na nói.
“Nếu hiện tại mức lương của em là 12 triệu đồng/tháng. Có một công ty khác mời em về làm việc với mức lương 24 triệu đồng/tháng, thì em có đồng ý hay không?”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến – vị sếp ngồi ghế nóng “Cơ hội cho ai?” ướm hỏi.
Trả lời sếp FPT, Thiên Phú cho rằng sẽ cân nhắc kỹ, nếu công việc quá áp lực và không phù hợp thì anh sẽ không nhận lời. Thay vào đó anh sẽ nỗ lực cống hiến ở công ty hiện tại để từ mức lương 12 triệu đồng/tháng, qua thời gian sẽ dần được gia tăng.
Quay sang Giang Na, ông Tiến hỏi: “Nếu mức lương hiện tại của em là 14 triệu đồng/ tháng và có một công ty mà em rất yêu thích, như Elise của chị Lưu Nga chẳng hạn, mời em về làm việc với mức lương 12 triệu đồng/tháng, thì em có nhận lời không?"
Cô gái Nùng chia sẻ vì vùng quê cô sống có điều kiện sinh hoạt khá khó khăn, nên cô luôn nắm bắt bất kỳ cơ hội nào đến với mình. Cô khẳng định nếu công việc đó phù hợp với năng lực của bản thân, cô yêu thích nó và mức lương đủ trang trải cuộc sống thường nhật, cũng như dư một chút để cô cho vào quỹ dự phòng, thì cô sẽ nhận lời làm việc.
“Tôi khuyên 2 bạn nhé, mới ra trường, còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu”, Chủ tịch FPT Telecom khuyên nhủ.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng nhiều lần nói về câu chuyện tiền lương.
“Tôi cũng phải thừa nhận với các bạn là chúng ta ai cũng đi làm, cũng đều muốn được nhận nhiều tiền hơn. Chúng ta mong muốn được xã hội đánh giá ở mức cao hơn. Khi chúng ta tự hào là mức lương cao hơn các bạn đồng học, ý nói là với trình độ, với năng lực, với khả năng của chúng ta đã được xã hội công nhận và được đánh giá cao hơn”, ông Tiến trải lòng trong một talkshow.
“Với kinh nghiệm của tôi, tôi muốn nói các bạn khi làm được nhiều tiền hơn tôi cảm thấy có ích hơn cho xã hội này. Khi làm được nhiều tiền hơn tôi cảm thấy mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, tất nhiên cả nỗi buồn nữa. Để làm được nhiều tiền ta phải hy sinh nhiều thứ lắm. Và khi làm được nhiều tiền ta cũng làm được nhiều thứ cho bản thân mình hơn”.
Trong chương trình “Cơ hội cho ai” mùa 4 tập 1, ông Tiến là người trả lương cao nhất cho Giang Na – cô gái Nùng chưa tốt nghiệp ĐH về với đội của mình, với mức lương 20.000.102 đồng/tháng.
Theo Bình An
Nhịp sống thị trường