• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc họa Tập đoàn Phú Tài Miền Trung của đại gia Nguyễn Hải Lam

Đi lên từ cơ sở vô danh ở Hà Tĩnh, giờ đây Tập đoàn Phú Tài Miền Trung của doanh nhân Nguyễn Hải Lam trở thành nhà thầu lừng lẫy, thuộc diện có "số má" cả nước.

Dấu ấn đại gia Nguyễn Hải Lam

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Tài Miền Trung (viết tắt là Tập đoàn Phú Tài miền Trung) được khai sinh từ những năm đầu của thế kỷ 21 tại thành phố Hà Tĩnh, một mảnh đất cằn cỗi đầy sỏi đá, quanh năm khô hạn nhưng giàu truyền thống hiếu học, nơi sản sinh nhiều nhân sỹ trí thức lớn.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, giờ đây, Tập đoàn Phú Tài Miền Trung không còn là doanh nghiệp cỡ nhỏ, vô danh ở địa phương mà đã biến mình trở thành nhà thầu lừng lẫy, thuộc diện có "số má" trên thị trường xây dựng, hạ tầng giao thông.

Khắc họa Tập đoàn Phú Tài Miền Trung của đại gia Nguyễn Hải Lam

Phối cảnh cầu Ba Láng, một trong các gói thầu của Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ. (Ảnh: Internet)

Gắn liền với danh tiếng và uy tín của Tập đoàn Phú Tài Miền Trung hôm nay, là sự nỗ lực vượt khó, kiên trì và bền bỉ của doanh nhân Nguyễn Hải Lam (SN 1970), người con của Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Hải Lam được biết tới là nhà sáng lập, đương kim Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Tài Miền Trung.

Nhìn lại chặng đường gây dựng và đưa Tập đoàn Phú Tài Miền Trung lên vị trí trang trọng trong làng thi công xây dựng công trình giao thông, có thể nói 2017 là năm bản lề tạo sức bật mạnh mẽ cho cuộc tăng tốc hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm phát triển của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hải Lam khi ấy quyết định buông bỏ cái tên Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Tài Miền Trung trước đây và khoác lên mình danh xưng "tập đoàn" như một lời khẳng định đầy tham vọng, khởi động cho giai đoạn "lột xác" phía sau.

Miền đất hứa - Cần Thơ

Năm 2019, Tập đoàn Phú Tài Miền Trung ghi dấu ấn với việc trúng liên tiếp 2 gói thầu xây lắp hơn 113 tỷ đồng từ Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ). Thông qua hình thức đấu thầu trực tiếp, Chi cục trưởng Nguyễn Quí Ninh đã lựa chọn doanh nghiệp của ông Nguyễn Hải Lam làm nhà thầu thực hiện 2 dự án quan trọng của địa phương, bất luận họ có bỏ giá rất sát so với giá dự toán.

Tiêu biểu, gói thầu 3 "Xây dựng đoạn kè từ cầu Cái Sơn 2 đến cầu Sáu Bé (chi phí xây dựng và chi phí hạng mục chung)" được chốt giá dự toán là 81.530.454.372 đồng (hơn 81,5 tỷ đồng), nhưng giá trúng thầu lên tới 80.946.632.000 đồng (hơn 80,9 tỷ đồng), tương ứng tỷ lệ giảm giá khoảng 0,7%.

Hai gói thầu do đích thân Chi cục trưởng Nguyễn Quí Ninh ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là nguồn động viên rất lớn để Tập đoàn Phú Tài Miền Trung nâng cao "sức khỏe" tài chính, nâng vốn điều lệ gấp vài lần lên 50 tỷ đồng.

Khắc họa Tập đoàn Phú Tài Miền Trung của đại gia Nguyễn Hải Lam

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ phát biểu trong cuộc họp tháng 3/2020. (Ảnh: TTXVN)

Cần nhắc lại, Tập đoàn Phú Tài Miền Trung từ tháng 6/2016 đã đăng ký tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng (trong đó ông Nguyễn Hải Lam góp 80% tương đương 40 tỷ đồng), song việc góp vốn đã bị trục trặc khiến điều lệ thực tế vẫn chỉ là 15 tỷ đồng trong suốt hai năm 2017 - 2018 kế tiếp, theo số liệu từ cơ quan quản lý nhà nước.

Từ đó có thể thấy tầm quan trọng của hai hợp đồng kinh tế mà Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ trao cho Tập đoàn Phú Tài Miền Trung. Mới đây, Chi cục trưởng Nguyễn Quí Ninh đã được UBND thành phố tín nhiệm, giao giữ chức Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Cần Thơ.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, giữa thời kỳ dịch bệnh bủa vây, Tập đoàn Phú Tài Miền Trung tiếp tục trúng thêm 2 gói thầu thi công xây dựng nữa tại Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ. Điều đó góp phần kéo doanh thu nhà thầu nhảy vụt lên mức đỉnh 262 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với các năm liền trước, là cú "lội ngược dòng" kinh điển khiến các đối thủ cùng ngành khác không khỏi thán phục.

Nhìn chung, Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ tới nay là đối tác hàng đầu của Tập đoàn Phú Tài Miền Trung, giữa hai bên sau đó vẫn có thêm nhiều lần hợp tác hàng trăm tỷ khác.

Tích lũy kinh nghiệm từ những gói thầu cỡ vài chục tỷ, đã đến lúc Tập đoàn Phú Tài Miền Trung mang bộ hồ sơ năng lực đầy ấn tượng đến với các thương vụ lớn hơn. Những ngày đầu tiên của năm 2021, doanh nghiệp gốc Hà Tĩnh dẫn dắt liên danh tay ba (cùng Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ D.N.T và Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn) tham dự và trúng gói thầu CT3-PW-1.16 "Cải tạo rạch Cái Sơn - Mương Khai (đoạn từ KI+883 - K4+197) và xây dựng công ngăn triều rạch Phó Thọ, Cây Dừa" có giá 269.470.694.183 đồng (hơn 269,4 tỷ đồng), với hệ số tiết kiệm cho ngân sách nhà nước là 2,2%.

Gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Bằng cách liên danh, Tập đoàn Phú Tài Miền Trung sau đó tiếp tục thâm nhập vào những công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa cho sự phát triển của địa phương, như gói 16: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km03+000-Km06+080) do Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ mời thầu (gần 620 tỷ đồng).

Ở quê nhà Hà Tĩnh, nhà thầu đến nay đã trúng 3 gói thầu cỡ "khủng" từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh mời thầu, bao gồm gói thầu số 12.XL "Thi công nền, mặt đường và công trình trên tuyến", gói thầu số 18.XL "Thi công xây dựng đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh" và gói thầu số 18.XL "Xây dựng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến số 1 đoạn Km4+100-Km8+799,03" với tổng số tiền hơn 1.316 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng là thị trường giàu tiềm năng đối với Tập đoàn Phú Tài Miền Trung.

"Rụt rè" lợi nhuận

Như đã đề cập ở phía trên, doanh thu của Tập đoàn Phú Tài Miền Trung tăng tốc ở năm 2020 với 262 tỷ đồng, đến năm 2021 - 2022 đột ngột có xu hướng "giật lùi" về còn 153 tỷ đồng và 148 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nhân Nguyễn Hải Lam cùng các cộng sự đã nhanh chóng giải quyết những khó khăn thách thức, đưa nhà thầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng, với doanh thu 2023 đạt 305 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Vấn đề nguồn thu đã có lời giải, song, đại gia Nguyễn Hải Lam vẫn tiếp tục loay hoay trong việc gia tăng khả năng sinh lời, phản ánh qua những con số lợi nhuận ròng chỉ "lẹt đẹt" trong khoảng vài trăm triệu đồng, tương đối khập khiễng so với doanh thu.

Giai đoạn 2020 - 2023, lãi ròng mà Tập đoàn Phú Tài Miền Trung công bố lên cơ quan chức năng lần lượt 474 triệu đồng, 250 triệu đồng, 413 triệu đồng và 577 triệu đồng. Như vậy, tổng doanh thu 870 tỷ đồng chỉ quy đổi cho nhà thầu được 1,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sinh lời trên doanh thu là 0,2% (thu 1.000 đồng có lãi 2 đồng).

Dẫu biết, lợi nhuận kém khả quan là điều không ông chủ nào mong muốn, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, lãi thấp đồng nghĩa độ lớn trên hóa đơn thuế của doanh nghiệp cũng được giảm bớt đi phần nào...

Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của Tập đoàn Phú Tài Miền Trung là 439,8 tỷ đồng, hình thành từ 385,9 tỷ đồng nợ phải trả và 53,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Sự chênh lệch giữa vốn tự có và nợ bên ngoài đang là 7 lần, tức 1 đồng vốn cõng đến 7 đồng nợ.

Song, phần lớn nợ đều đến từ hoạt động thương mại, trong đó 260,8 tỷ đồng là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn và 120,5 tỷ đồng là khoản phải trả người bán ngắn hạn. Do đó, điểm tốt là doanh nghiệp không chịu quá nhiều áp lực về trả lãi và thời hạn tất toán khoản vay, như đối với các khoản nợ tín dụng thông thường khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan