Chủ tịch U70 của ĐH FPT chinh phục nóc nhà châu Phi hơn 5.800m và tiết lộ món hành trang sống còn trong chiếc balo nặng đến 7kg
Ở tuổi 67, nóc nhà châu Phi không phải đích đến cuối cùng của thầy giáo Lê Trường Tùng. Thầy cho biết cũng như những dân leo núi khác, Seven Summits - 7 nóc nhà của 7 châu lục là mục tiêu chinh phục trong thời gian tới.
Chúng tôi gặp thầy Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT ngay sau khi thầy chinh phục xong nóc nhà của châu Phi, đỉnh Kilimanjaro (5.895m). Khi vừa ngồi xuống chia sẻ về chuyến hành trình của mình, thầy mở điện thoại cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp được và kể về những chuyến đi khó có cơ hội lần thứ 2.
Câu chuyện bắt đầu cách đây 10 năm, 2014. Lúc đó, FPT Edu có chuyến công tác ở Sa Pa. Mọi người hò nhau ở đây có Fansipan ai muốn leo thì giơ tay. Ai cũng nói leo dễ, 1 ngày là đến nơi. Chẳng chuẩn bị gì, tôi cũng nhập đoàn lên đường. Chủ quan nên trên đường đi, tôi cũng bị chuột rút và vài sự cố khác nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành chặng đường cả đi lẫn về.
Sau khi về, chúng tôi còn lập thêm đoàn khoảng 60 người để quay lại leo lần thứ 2. Tất cả đều chinh phục được nóc nhà của Đông Dương. Sau đấy, anh em nhận ra trải nghiệm là 1 chuyện. Điều quan trọng là ai cũng bảo việc khó thế này còn làm được thì những oái oăm ngoài kia chẳng hề hấn gì.
Song dù leo quen đến mấy, ai cũng phải đặt quyết tâm mới hoàn thành được chặng đường cả lên và xuống. Như quy tắc 40% đã nói rằng, bất cứ khi nào tâm trí bảo bạn đã kiệt sức và muốn bạn bỏ cuộc, thì thực chất bạn mới chỉ dùng hết 40% quỹ sức lực của mình. Đôi khi bạn phải dám vượt ngưỡng để đặt những mục tiêu vượt kỳ vọng của bản thân. Khi đạt được những cột mốc đó, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng.
Tương tự như trong công việc hay cuộc sống, cứ thấy khó là bỏ. Không sao cả. Mỗi người chọn cách thức khác nhau. Nhưng trong leo núi, mỗi lần leo là một lần trải nghiệm, một kì tích, một lần “vượt qua giới hạn” của bản thân. Nếu bỏ cuộc dễ dàng như vậy, bạn khó có thể chạm tay vào những đỉnh cao. Dẫu vậy, nhìn những người dân bản địa hỗ trợ, khuân vác đồ, leo lên trước dựng lều, nấu ăn, phục vụ…, tôi thấy rõ cái gọi “kỳ tích” của mình cũng còn quá nhỏ bé.
May mắn thời điểm tôi leo Fansipan, cáp treo chưa xây dựng xong. Tôi được trực tiếp trải nghiệm những thử thách. Sau này, cáp treo đi vào hoạt động giúp nhiều người có cơ hội chạm tay vào nóc nhà của Đông Dương. Song việc này cũng vô tình làm Fansipan không còn sức hấp dẫn với đông đảo người thích leo núi trong và ngoài nước. Mọi người ngại khó nên chuyển sang đi cáp thay vì leo lên. Giống như có thang máy thì chẳng ai muốn đi thang bộ.
Nói chung, đi leo núi phải chấp nhận những điều kiện không tiện nghi, quên cái chuyện tắm đi, bẩn mấy ngày đâu có sao. Thực ra đối với con người, chịu đựng bẩn là chịu đựng dễ nhất. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, không khí cũng trong lành hơn nên không đến nỗi đổ mồ hôi nhễ nhại. Đôi khi, lúc đấy mệt nên muốn tắm cũng chẳng đủ sức nên ngủ cho chắc ăn.
Còn chuyện ăn uống thì mỗi người có thể mang thêm đồ ăn phụ như mì ăn liền, lạp xưởng… Mình cũng có thể trao đổi với bộ phận phục vụ để họ thêm bớt theo nhu cầu.
Nói chung, ở thời điểm đó, mọi người phải đối diện với những thứ quan trọng hơn. Tự nhiên ăn uống thành chuyện phụ. Chuyện bẩn hay sạch cũng chẳng phải vấn đề.
Thực tế, nỗi sợ của dân leo núi là gì?
Mệt nhất của leo núi là thay đổi độ cao dẫn đến thiếu oxy và say độ cao. Càng lên cao, áp suất càng giảm, tỷ lệ lượng khí oxi giảm, cơ thể sẽ có những phản ứng.
Mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau. Phản ứng dễ nhận biết nhất là đau đầu. Đau đầu uống thuốc là khỏi. Không dừng lại ở đó, triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến chuyện ngủ. Như bản năng sinh tồn, lượng không khí quá thấp, cơ thể không cho phép ngủ. Mắt cứ mở thao láo để thở. Thở từ khi chuẩn bị ngủ đến sáng luôn. Thở là một chuyện. Có oxy để thở không mới là điều quan trọng.
Tôi leo núi lửa Rinjani (3.726m) không có hiện tượng này, Kilimanjaro cũng thế. Nhưng Everest Base Camp lại khó hơn nhiều.
Nặng hơn, nhiều người trong đoàn có chỉ số SPO2 thấp quá còn phải quay đầu xuống núi để về vùng an toàn.
Chính vì thế, đôi khi, nhiều cung đường leo lên núi rất ngắn. Tuy nhiên, để cơ thể quen dần với độ cao, đoàn sẽ phải đi theo kiểu đường vòng, lên rồi lại xuống. Nên thời gian leo lên có thể mất 4-5 ngày nhưng xuống chỉ tốn khoảng ngày rưỡi.
Chuyến đi đó tôi leo cùng 7 người đồng nghiệp khác, kéo dài 6 ngày 5 đêm. Từ Việt Nam, tôi đáp chuyến bay đến Kenya, qua thủ đô Nairobi. Sau đó, đoàn di chuyển bằng ô tô, qua biên giới sang Tanzania đến thành phố Moshi ở chân núi để bắt đầu hành trình.
Tôi cứ nghĩ châu Phi nóng. Song cả khu vực Kenya và Tanzania nằm ở độ cao 1.800m nên ban ngày nắng nhưng đêm lại mát lạnh như Đà Lạt, Sa Pa nhà mình. Nhìn chung rất ổn.
Còn cảnh thì đẹp vô cùng luôn. Trên đường lên đỉnh núi, người leo sẽ đi qua một loạt các dạng địa hình, thảm thực vật khác nhau. Đầu tiên là rừng nguyên sinh nằm trong khu bảo tồn. Sau vùng rừng là cây bụi thấp, rồi đến hoang mạc và 1.000m trên cùng là băng tuyết. Đoàn mất khoảng nửa ngày hoặc 1 ngày để đi qua hết từng khu.
Thay vì leo nhanh, vài chục bước lại nghỉ lấy sức như nhiều tour leo núi khác, đoàn 8 người sử dụng chiến thuật leo chậm, chắc và hầu như không dừng. Tất cả chỉ dừng uống nước 30 giây rồi lại bước tiếp.
Cuối cùng, đoàn có 6 người đặt chân lên đến đỉnh. Tỷ lệ thành công 6/8, gần 80% là tỷ lệ chuẩn. 2 người còn lại: 1 người lên đến Lava Tower (4.900m) say độ cao, SPO2 quá thấp nên phải xuống núi; 1 người đến Stella Point (5.756m), sát đỉnh núi nhưng không còn sức để leo tiếp nên cũng phải bỏ cuộc.
Trong hành trình này, tôi cũng gặp một sự cố nhỏ. Chân bước lên đá vụn và sụt sang phải nên cả người đổ nghiêng. Đá tiếp tục sụt xuống, lăn thêm 1 vòng. Chắc cô thương nên chỉ bị đá mài rách áo, thêm một vết sưng bầm ở ống chân (cười).
Dẫu Rinjani chỉ cao 3.726m nhưng leo rất mất sức. Vì đây là đỉnh núi lửa nên đường đi chủ yếu là cát đá. Cứ leo lên được 2 bước lại trượt xuống 1 bước. Lúc leo tôi phải cố gắng bám sát người phía trước để dẫm đúng vào bước chân của họ. Nếu không cát đá lại đổ xuống, lấp chỗ vừa mới lún xuống.
Lên là 1 chuyện, xuống lại là 1 thử thách khác. Vẫn đường đi như vậy, xuống 1 bước, đất đá sẽ đẩy bạn trôi xuống 3 bước. Người quen thì thì chơi kiểu rơi tự do, dùng 2 gậy chống để khỏi ngã. Một số người trượt xuống bằng gót. Số khác không giữ được thăng bằng là ngồi xuống trượt. Bụi bay mù mịt.
Gian nan của hành trình này chưa dừng lại ở đó. Lúc xuống núi, chúng tôi phải thay đổi lịch trình đến 2 lần để phù hợp với điều kiện thời tiết.
Theo đúng kế hoạch, ngày cuối cùng, đoàn bắt đầu leo từ 2h sáng để kịp lên đến đỉnh đón được bình minh và quay trở về trại vào lúc 9h. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi sẽ nhổ trại và xuống khu vực miệng núi lửa có suối nước nóng để cắm trại ăn trưa. Ăn xong, đoàn tiếp tục leo sang đỉnh núi lên kia, cắm trại 1 đêm tại đây để ngày hôm sau xuống điểm tập kết.
Tuy nhiên, do leo chậm, chúng tôi đón bình minh ở ngay dọc đường và quay trở về lều trại đã là 12h. Nếu lúc đó, đoàn vẫn đi theo lộ trình cũ, khi đến suối nước nóng, trời đã tối. Trong khi đó, đèn pin đã dùng hết từ tối hôm trước. Không còn vật dụng gì để chiếu sáng thì cũng không thể sinh hoạt được.
Mọi người bàn nhau ở lại đây để hôm sau xuống bằng đường cũ. Tuy nhiên, khu vực lều trại này không có 1 bóng cây. Bên ngoài thì nắng, bên trong lều thì nóng. Không chịu được nhiệt, tất cả lại quyết định xuống luôn.
Đang ở điểm dừng số 5, chúng tôi cần leo xuống điểm số 2. Ở đó, có xe ôm, đoàn sẽ lên xe để di chuyển về điểm tập kết. Tuy nhiên, xe ôm chỉ hoạt động trước 18h. Tức là, chúng tôi muốn đi theo lộ trình này phải xuống núi trong vòng 3-4 tiếng tới.
Thực tế, đường xuống núi rất trơn trượt. Một số người trong đoàn đi không quen. Đầu ngón chân thúc vào mũi giày nên bị bật móng, phải mượn cả dép của porter để di chuyển.
Cuối cùng, chưa đến điểm dừng số 3 trời đã tối, lại thêm mưa. Mọi người thống nhất an toàn là số 1 nên quyết định dừng tại đây, dựng trại, ăn uống rồi sáng hôm sau đi tiếp. May mắn, hành trình cũng kết thúc an toàn.
Chẳng ai can tôi cả (cười). Thực ra mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân mình. Cái quan trọng của leo núi là phải cảm nhận được đến đâu dừng là dừng. Mình biết kiểu gì cũng không đua được với hội trẻ, làm thế nào để không phiền với bọn nó.
Giống như leo Everest Base Camp, mỗi tối, tôi đều phải scan toàn bộ cơ thể để quyết định ngày mai leo tiếp hay dừng lại.
Đơn giản là tự kiểm tra chân tay như thế nào. Giả sử mình cố thêm 1 ngày với lộ trình như ngày hôm nay thì thế nào. Đừng đặt mục tiêu xa.
Bên cạnh đó tôi luôn cố gắng để không bị chấn thương, chuẩn bị thuốc men và đồ bảo hộ cẩn thận để hạn chế tối đa những trục trặc có thể xảy ra.
Trong balo gần 7kg đồ của tôi luôn có thêm 1 đôi giày xơ cua. Mọi người cứ nói yên tâm, giày mới mua vẫn còn chắc. Đó là mọi người chưa gặp tình huống đó nên mới yên tâm như vậy.
Khi lần đầu tiên leo đỉnh Fansipan, tôi đã phải cho người cùng đoàn mượn giày xơ cua. Khi leo đỉnh Kinabalu, chính tôi phải dùng đến đôi giày dự bị. Nên sống chết, tôi cũng phải xách thêm 1 đôi giày. Nặng thêm một chút nhưng hành trình của mình không bị gián đoạn.
Tôi cũng luôn mang theo 2 gậy leo núi thay vì chỉ là 1 gậy như nhiều người. Chiếc gậy này như cánh tay nối dài. Nó giúp tăng điểm tỳ. Khi nhấc 1 gậy lên tôi vẫn còn đến 3 điểm tỳ. Tôi thường nói vui rằng muốn vững như kiềng 3 chân thì phải có 4 chân (cười).
Ngoài sự cố gắng, chuẩn bị kỹ lưỡng của bản thân, cùng sự trợ giúp của những người dẫn đường porter, những người đồng đội đi cùng cũng rất quan trọng, đặc biệt khi leo dài ngày. Có được nhóm leo đồng tâm, hết mình hỗ trợ nhau, xem như bạn đã thành công được một nửa.
Dân mê leo núi thường có đích đến là chinh phục Seven Summits - 7 nóc nhà ở 7 châu lục. Tôi đã hoàn thành xong nóc nhà của châu Phi với đỉnh Kilimanjaro. Ở châu Á, với điều kiện sức khỏe của mình, tôi chỉ lên được đến Everest Base Camp.
Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ chinh phục nóc nhà của châu Mỹ, đỉnh Aconcagua (6.962m). Do điểm xuất phát cao hơn chân núi khoảng 1.000m, nên về chiều cao của đỉnh này cũng tương tự như leo Kilimanjaro.
Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về khu vực châu u. Với đỉnh cao nhất của châu Úc, tôi tạm để đó vì chiều cao không quá khó, chỉ cỡ hơn 2.000m nên đi lúc nào cũng được.
Còn nóc nhà của châu Nam Cực, tôi đầu hàng vô điều kiện bởi thời tiết quá khắc nghiệt. Tôi từng có dịp ở Nam Cực cả tuần giữa mùa hè, nhưng giới hạn mỗi lần ra ngoài trời chỉ khoảng 4-5 tiếng.
Bài viết:
Thiết kế:
Ảnh:
Đinh Anh - TK: Hải An - Ảnh: Phương Anh