CEO lương triệu đô bỏ việc, làm "ông chủ của chính mình": Tưởng liều lĩnh mà hóa ra "ủ mưu" từ lâu, đánh nhanh thắng gọn để nắm giữ loại khoáng sản trăm tỷ
Sinh ra ở vùng quê nghèo, người đàn ông Trung Quốc gần như đã đổi đời khi từng bước đạt được vị trí giám đốc điều hành, mức lương cả triệu USD. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Tham vọng của ông hóa ra còn lớn hơn thế rất nhiều.
Năm 21 tuổi, người đàn ông ấy thi đỗ Đại học Nam Kinh nhờ sự chăm chỉ của bản thân, rồi được nhận một công việc "đáng mơ ước" sau tốt nghiệp. Tuy vậy, ở 25 tuổi, ông không muốn an phận trong sự ổn định nên một thân một mình đến Thâm Quyến, tìm kiếm cơ hội làm giàu chỉ với 400 NDT trong tay.
Ông chính là Vương Văn Ngân, người đứng đầu Amer International Group. Theo China Rich List (2022) của Forbes, ông hiện có tài sản thuộc Top 12, với 15,7 tỷ USD.
Nổi lên như một câu chuyện thần thoại, nhưng vẫn rất kín tiếng, người đàn ông này đã làm gì để hoàn toàn thay đổi vận mệnh của mình?
Sinh ra trong cơ khổ
Vương Văn Ngân, sinh năm 1968, ở một ngôi làng nghèo và lạc hậu ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Gia đình ông có truyền thống làm nông, điều kiện sống nghèo nàn. Tuy nhiên, Vương Văn Ngân đã rất tham vọng từ khi còn là một đứa trẻ. Tinh thần kiên cường như vậy đã thúc đẩy ông chăm chỉ học tập.
Kiến thức thay đổi vận mệnh. Đây là chân lý mà vô số người đã kiểm nghiệm và Vương Văn Ngân cũng không ngoại lệ. Kết quả mà ông mang về trong mỗi kỳ thi không chỉ khiến cha mẹ vui mừng khôn xiết, đồng thời cũng là chỗ dựa vững chắc cho việc học tiếp sau này. Dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng bố mẹ ông vẫn cố gắng để con được ăn học đến nơi đến chốn.
Vương Văn Ngân. Ảnh: Toutiao
Năm 1989, Vương Văn Ngân trải qua bước ngoặt đầu tiên trong đời: kỳ thi tuyển sinh đại học. Sự chăm chỉ của ông đã được đền đáp xứng đáng, năm đó ông được nhận vào Đại học Nam Kinh với số điểm xuất sắc. Cuối cùng ước mơ của ông đã trở thành hiện thực, cậu trai nghèo có thể bước ra khỏi ngôi làng nhỏ để đến một thành phố lớn.
Trong suốt thời gian học đại học, Vương Văn Ngân vẫn luôn chuyên tâm vào việc học của mình, hầu như không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào không liên quan. Đối với một chàng trai đang độ tuổi xuân, điều đó không hề dễ dàng.
Cuộc sống bốn năm đại học kết thúc, Vương Văn Ngân bước chân ra ngoài xã hội với nhiều kỳ vọng. Vì thành tích xuất sắc ở trường, ông may mắn được bổ nhiệm vào Công ty Dầu khí Gaoqiao Thượng Hải và được đối đãi rất tốt. Vào những năm 1990, khi mức lương của hầu hết công nhân chỉ vài trăm NDT, Vương Văn Ngân đã có thể kiếm được 4.000 NDT.
Quyết định trọng đại đầy tham vọng
Dù nhận được vị trí "đáng mơ ước" đối với nhiều người, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Vương Văn Ngân đã từ bỏ. Công việc ổn định như vậy không phải là điều ông ấy muốn, cho dù thu nhập một tháng của công việc này vượt quá thu nhập một năm của cả gia đình thông thường.
Khi đó, nhiều nơi ở phía Nam Tủng Quốc đang đi đầu trong công cuộc cải cách và mở cửa, đặc biệt là Thâm Quyến, đâu đâu cũng có cơ hội. Ông đã cầm 400 NDT và một mình lên tàu đến thành phố này.
Vương Văn Ngân đầy háo hức và khao khát tương lai. Ông không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước nhưng tự tin rằng với học thức, năng lực và sự chăm chỉ của mình, ông chắc chắn sẽ đạt được những gì mình muốn. Tuy nhiên, khi mới đến Thâm Quyến, ông đã gặp phải khó khăn.
Thâm Quyến đang phát triển với tốc độ cao, ông lại mới từ nơi khác đến, chưa quen chỗ ở, tìm được một công việc phù hợp không phải là điều dễ dàng. Sau khi làm quen với đường phố Thâm Quyến hai ngày, Vương Văn Ngân chỉ còn lại 10 NDT, chưa kể đến chỗ ở, ngay cả việc ăn uống cũng trở thành một vấn đề.
Tuyệt vọng, ông đã phải nhận cả công việc chân tay, thu nhập thấp, thường bữa ăn bữa bỏ, chỉ ngủ trên công trường. Trong thời gian đó, ông lao vào tìm kiếm các cơ hội khác.
Không lâu sau, Vương Văn Ngân tìm được một công việc giữ kho. Đây là xưởng sản xuất dây điện và phích cắm, trong kho có nhiều loại hàng hóa rất phức tạp. Ông đã được lãnh đạo chú ý chỉ sau một tuần vì cách làm việc có tổ chức, đầu óc linh hoạt. Những công việc phức tạp đều trở nên đơn giản khi vào tay ông.
Kể từ lúc này, con đường của Vương Văn Ngân bắt đầu suôn sẻ. Được lãnh đạo đánh giá cao, ông liên tục được thăng chức. Đặc biệt, dù ở cương vị nào, ông cũng có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Chỉ trong một năm, Vương Văn Ngân đã trở thành giám đốc điều hành công ty, hưởng mức lương hàng năm gần một triệu USD.
Vương Văn Ngân nhanh chóng thăng tiến. Ảnh: Toutiao
Sau khi tích lũy kinh nghiệm, cơ hội và các mối quan hệ, Vương Văn Ngân đã nắm bắt thời cơ để đổi công việc một lần nữa sang Hitachi, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nổi tiếng lúc bấy giờ.
Với khả năng làm việc xuất sắc của mình, ông nhanh chóng có chỗ đứng tại Hitachi, trở thành trưởng phòng kinh doanh với thành tích lên tới 10 triệu NDT trong một năm.
Quyết tâm "làm ông chủ của chính mình"
Cứ tưởng mọi việc đã ổn định nhưng Vương Văn Ngân một lần nữa đưa ra một quyết định táo bạo: Từ chức để khởi nghiệp. Ông bắt đầu với sợi dây điện mà mình quen thuộc nhất.
Để nắm bắt thông tin đầu tiên và thiết lập mối quan hệ tốt với khách hàng, Vương Văn Ngân đã tự mình lái xe giao hàng. Dù bận rộn nhưng mỗi ngày, ông đều tự hỏi, phải làm thế nào để đưa công ty ngày càng lớn mạnh hơn.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra. Khi đó, nhiều doanh nghiệp không chịu nổi áp lực và lần lượt đóng cửa. Ông biết đây là thời điểm tốt nhất để thu mua hàng loạt thiết bị với giá rẻ. Nhờ chớp thời cơ nhanh chóng, doanh nghiệp của ông đã trở thành nhà máy sản xuất dây điện lớn nhất ở Thâm Quyến lúc bấy giờ.
Sau đó, khủng hoảng dần qua đi, ngành công nghiệp này trở nên ngày càng lớn mạnh. Ông gộp các nhà máy sản xuất trong tay lại để thành lập Tập đoàn Chính Uy, gặt hái nhiều danh tiếng trong ngành, nhưng vẫn chưa quá bứt phá.
Năm 2003, đại dịch SARS đột ngột bùng phát. Dưới tác động của dịch bệnh, mọi tầng lớp xã hội đều bị ảnh hưởng nặng nề, một lượng lớn vốn bị rút khỏi thị trường khiến giá các loại tài nguyên sụt giảm nghiêm trọng.
Lúc này, Vương Văn Ngân mới biết giá các mỏ đồng cũng giảm mạnh, trong khi sản phẩm chính của ông là dây điện, với đồng là nguyên liệu thiết yếu.
Ông nghĩ rằng thay vì mua của người khác, tốt hơn là nên sở hữu tài nguyên khoáng sản để nắm quyền chủ động kiểm soát. Vì vậy, ông đã gây quỹ và mạnh dạn mua một số mỏ đồng lớn trong nước. Quyết định sáng suốt này đã dần định hình đế chế vốn của ông.
Vương Văn Ngân biết giá các mỏ đồng giảm mạnh nên lập tức thu mua. Ảnh: Toutiao
Không mất nhiều thời gian để giá đồng phục hồi và bắt đầu tăng mạnh, khoản đầu tư của ông đã mang lại lợi nhuận khổng lồ. Một trong những vụ mua lại thành công nhất của Vương Văn Ngân là một mỏ đồng lớn có giá chào bán khoảng 2,8 tỷ NDT. Tới năm 2008, nó đã vượt 100 tỷ NDT.
Lúc này, Vương Văn Ngân cũng đã trở thành "Vua đồng" thực thụ. Đằng sau các giao dịch mỏ đồng quốc tế cũng có rất nhiều bóng dáng của ông.
Từ năm 2013, tập đoàn Chính Uy đã lọt vào hàng ngũ top 500 của thế giới. Năm 2020, doanh thu hàng năm của Tập đoàn đạt 691,9 tỷ NDT và vào năm 2021, con số này lên tới 750 tỷ NDT.
Sau hơn 20 năm làm việc chăm chỉ, Vương Văn Ngân không còn là một công nhân nghèo, lần đầu từ nông thôn đến thành phố, mà đã trở thành một doanh nhân thành công với khối tài sản cá nhân đạt 15,7 tỷ USD (theo Forbes).
Nhưng so với những doanh nhân nổi tiếng đó, tên tuổi của Vương Văn Ngân không được công chúng biết đến nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh và tính cách ngay từ nhỏ khiến ông luôn khiêm tốn, không muốn lộ mặt trước công chúng.
*Theo: Toutiao
Thùy Linh
Nhịp sống thị trường