• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình

Hành trình hơn một năm không phải dài, ngay cả khi so với 1 thập kỷ Grab có mặt tại Việt Nam nhưng CEO Grab Việt Nam Alejandro Osorio tin rằng mình đã khám phá được nhiều điều, cả trong công việc lẫn cuộc sống. Những trải nghiệm đó cũng vô cùng đặc biệt.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 1.

 

Trái với vẻ mặt nghiêm túc khi nói chuyện công việc, CEO Grab Việt Nam Alejandro Osorio tỏ ra “hào hứng” khi “khoe” dấu tích sau sự cố trên đường đi phượt Hà Giang . Với đam mê cháy bỏng dành cho xe mô tô, Osorio đã chinh phục nhiều cung đường ở Việt nam và dành nhiều mĩ từ để nói về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ trên khắp dải đất hình chữ S. Vị CEO 8x tin rằng xe máy là phương tiện để mình hiểu hơn về cuộc sống, về con người và cả các đối tác của Grab ở Việt Nam.

“Tôi thấy niềm đam mê ẩm thực, năng lượng và sức bền bỉ của các bạn. Có vô số sạp hàng di đ ộng hay bàn ghế nhựa của các hàng quán vỉa hè. Ngoài kia, mọi người luôn nỗ lực từng ngày để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ hiện thực truyền cảm hứng đó, chúng tôi thấy cơ hội kết nối thêm nhiều cửa hàng và người bán với nền tảng Grab, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ số như sứ mệnh mà chúng tôi đặt ra”, ông Osorio chia sẻ.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 2.

- Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ cuộc phỏng vấn trước đây của chúng ta. Cuộc sống hiện tại của ông ở Việt Nam hiện nay ra sao? Có gì thay đổi so với khi ông mới tới Việt Nam hay không?

Chỉ mới hơn một năm trước thôi, Việt Nam rất xa lạ với tôi. Nhưng hiện tại, tôi đã quen và xem Việt Nam như là nhà mình vậy. Tôi đã rất hạnh phúc khi được khám phá nhiều vùng đất, thành phố tại đất nước các bạn, từ đó hiểu sâu hơn về thị trường.

Dẫu vậy, tôi vẫn không ngừng học hỏi và tìm hiểu về Việt Nam. So với lần đầu gặp đội ngũ nhân viên Grab tại đây, tôi đã trở nên thân thiết với họ rất nhiều, cùng chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược hoạt động. Vì vậy, đối với tôi, ban đầu là học hỏi, còn bây giờ là áp dụng kết quả từ quá trình học hỏi đó.

- Ông từng chia sẻ về những khó khăn, thách thức với bản thân khi tiếp nhận công việc ở Việt Nam, trong đó có áp lực tìm sự cân bằng giữa những nhu cầu khác nhau của khách hàng, đối tác tài xế và các cửa hàng. Ông đã tìm ra lời giải cho bài toán này hay chưa?

Thách thức luôn tồn tại. Chúng tôi càng phát triển, càng mở rộng quy mô hoạt động thì càng có nhiều đối tác, cửa hàng và người dùng tham gia vào nền tảng Grab. Nhiệm vụ của Grab là mang lại lợi ích cân bằng cho từng bên. Vì vậy, thách thức cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi.

Là một nền tảng số kết nối nhiều thành tố, sẽ luôn có thách thức đối với việc quản lý và đưa ra những quyết định khó khăn để đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên. Vì vậy, chúng tôi không có giải pháp vĩnh viễn nào cả. Điều quan trọng là chúng tôi phải lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của các bên liên quan, liên tục học hỏi, thử nghiệm và từ đó tối ưu nền tảng của mình.

- Ông có trải nghiệm gì đặc biệt với các dịch vụ của Grab trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam hay không?

Phải nói là rất nhiều! Có rất nhiều khoảnh khắc tuyệt vời khi sử dụng các dịch vụ của Grab cùng lúc.

Tôi rất thích khi vừa có thể vừa đặt GrabBike về nhà, vừa có thể cùng lúc đặt đồ ăn (GrabFood) khi đói. Tôi căn thời gian sao cho đồ ăn được giao đến đúng lúc tôi về tới nhà.

Đây là một trong số nhiều khoảnh khắc nhỏ thường nhật về trải nghiệm của tôi với Grab. Không chỉ từ trải nghiệm cá nhân, việc tương tác với tất cả các đối tác và bên liên quan cũng khiến tôi cảm nhận được sức mạnh của nền tảng này.

Chúng tôi cũng rất chú trọng lắng nghe nhu cầu và phản hồi từ thực tế. Khi đến các thành phố khác nhau, chúng tôi gặp các đối tác tài xế, đối tác thương nhân, đại diện các cơ quan chức năng và nhiều bên khác để hiểu họ đang hài lòng gì và phàn nàn gì. Những dịp gặp gỡ này giúp tôi nắm bắt rõ hơn về các dịch vụ Grab và cần cải thiện gì thêm nữa.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 3.

- Grab đã trải qua hành trình 10 năm gắn bó với thị trường Việt Nam. Nhìn lại một thập kỷ đã qua, đâu là những con số mà ông cho là ấn tượng nhất khi nói về những thành tựu mà Grab đã đạt được?

Tôi nghĩ thành tựu nổi bật nhất đó là sự đón nhận đông đảo của người dùng đối với dịch vụ Grab. Bạn có thể thấy thậm chí ngày nay Grab đã trở thành một động từ được nhiều người sử dụng. Đó là một chỉ báo tuyệt vời về cách mọi người cởi mở đón nhận và tin dùng các dịch vụ của chúng tôi.

Nhờ nỗ lực to lớn và quyết tâm phát triển Grab Việt Nam, chúng tôi đã thực sự đạt được niềm tin của người dùng thông qua số lượng giao dịch hàng ngày thông qua nền tảng Grab. Hiện Grab có hàng chục triệu chuyến xe và đơn hàng mỗi tháng phục vụ hàng triệu người dùng Grab tại Việt Nam. Những điều này khiến chúng tôi tin rằng Grab đang cung cấp đúng dịch vụ và trúng phạm vi tiếp cận.

- Theo hình dung của ông, Grab sẽ ra sao trong 10 năm tiếp theo?

Dù là ở thời điểm nào, sứ mệnh của chúng tôi vẫn luôn nhất quán. Đó là tiếp tục thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ số để mọi người dân Việt Nam đều có thể hưởng lợi từ nền kinh tế số.

Grab vẫn luôn là động lực thúc đẩy quá trình này trong suốt 10 năm hoạt động vừa qua. Và khi hướng tới tương lai, chúng tôi vẫn kiên trì với nhiệm vụ cốt lõi, đó là cung cấp và mở rộng các dịch vụ số và lợi ích số cho người dùng và đối tác khắp Việt Nam.

Ngoài ra, quyết sách thúc đẩy kinh tế số của chính phủ Việt Nam cũng là nền tảng vững chắc cho Grab kiên định với sứ mệnh của mình.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 4.

- Trong cuộc phỏng vấn trước, ông chia sẻ rằng xe điện sẽ mở ra nhiều không gian mới và cơ hội mới cho Grab. Đã hơn 1 năm trôi qua, có số liệu nào cho thấy kết quả từ tiến trình chuyển đổi này trong Grab hay không?

Chúng tôi coi tính bền vững là trọng tâm. Xe điện (EV), xe hybrid hay các giải pháp góp phần bảo vệ môi trường đều là một phần của điều này.

Chúng tôi có nhiều lựa chọn và sáng kiến khác nhau trên nền tảng để hướng tới các mục tiêu bền vững. Vì vậy, khi sử dụng các dịch vụ Grab, bạn có nhiều lựa chọn giúp giảm thải carbon hay giảm thiểu việc đóng gói thực phẩm quá mức cần thiết.

Ví dụ, bạn có thể lựa chọn đóng góp vào mục tiêu trung hòa carbon khi đặt một chuyến xe hay đơn hàng, từ đó tham gia vào dự án trồng rừng mà Grab đang hợp tác với Quỹ Sống và tỉnh Ninh Thuận; hay chọn không dùng dụng cụ ăn uống nhựa cho các đơn hàng GrabFood.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có những tính năng, công nghệ mới giúp đối tác tài xế rút ngắn quãng đường di chuyển, để họ có thể giao được nhiều đơn hàng hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Những tính năng này không chỉ mang lại cơ hội thu nhập cao hơn cho tài xế mà còn giúp giảm quãng đường xe lưu thông trên đường. Đây là một trong nhiều cách mà chúng tôi thúc đẩy tính hiệu quả và bền vững.

Grab đồng thời cũng đóng góp vào việc thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng. Không chỉ đơn thuần là đưa mọi người từ điểm này tới điểm kia, chúng tôi còn đưa hành khách tới các ga metro, trạm xe buýt, sân bay để họ tiếp tục sử dụng các hệ thống giao thông công cộng.

- Trên thị trường gọi xe Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn đã ra đi nhưng cũng có những cái tên mới xuất hiện. Ông đánh giá sự cạnh tranh này đã và sẽ ảnh hưởng ra sao tới Grab?

Cạnh tranh luôn tác động đến Grab, nhưng chủ yếu là theo hướng tích cực vì thị trường vẫn đang phát triển và người dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn, nhiều tiện ích. Vì vậy, chúng tôi tập trung hơn vào việc mang lại các giải pháp phù hợp cho người dùng.

 
 

Chúng tôi cũng học hỏi các đối thủ để đảm bảo rằng Grab đang tận dụng tốt sức mạnh nền tảng, tạo ra giá trị và dịch vụ tốt nhất cho người dùng. Cạnh tranh cũng giúp chúng tôi tập trung hơn nữa vào sứ mệnh thúc đẩy công nghệ số cho người dân và cung cấp các dịch vụ hàng ngày hợp lý và an toàn, từ đó có thêm người dùng mới và người dùng có thể quay lại sử dụng Grab với tần suất cao hơn. Điều này cũng mang lại nhiều cơ hội thu nhập hơn cho các đối tác Grab và cho phép chúng tôi không ngừng mở rộng.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 5.

- Ông có thể chia sẻ về những dự định của mình, cả trong công việc lẫn cuộc sống, trong thời gian tới đây không?

Năm ngoái, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu và học hỏi, còn năm nay là về việc xác lập chiến lược, triển khai, tối ưu các đổi mới, cải tiến vận hành. Năm tới, tôi sẽ tập trung vào tận dụng các nền tảng đang có để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa     .

Đối với một nền tảng như Grab, chúng tôi luôn làm mọi thứ cùng một lúc, theo một vòng lặp: Thực hiện trong hôm nay, lên kế hoạch cho ngày mai, thay đổi để đảm bảo kế hoạch khả thi, sau đó lại tiếp tục thực hiện.

Về cuộc sống hiện tại ở Việt Nam, tôi thấy hạnh phúc và cảm giác như đang ở nhà. Năm trước, mọi thứ đối với tôi còn chưa ổn định. Tôi bắt đầu từ con số 0, từ tìm hiểu các phong tục tập quán, làm quen với các thị trường cho đến xây dựng các thói quen. Nhưng bây giờ, tôi đã thực sự quen với cuộc sống ở Việt Nam. Thậm chí tôi còn hạnh phúc khi có lúc thấy chán, đơn giản là bởi tôi thấy đây là nhà mình và rất thoải mái với sự ổn định hiện tại.

- Ông nghĩ rằng những trải nghiệm cá nhân trong hơn 1 năm sống tại Việt Nam sẽ giúp ích cho ông như thế nào trong công việc điều hành Grab Việt Nam ?

Chắc chắn là có rồi! Tôi đã đồng hành với Grab được 7 năm và có nhiều thời gian làm việc với đội ngũ nhân viên tại các nước Đông Nam Á. Quá trình này mang lại cho tôi nhiều góc nhìn về các quốc gia khác nhau và cả những thách thức khi hoạt động tại đó. Tôi có niềm khao khát mãnh liệt được hiểu và thích nghi với các nền văn hóa. Những kiến thức và kinh nghiệm này tạo cho tôi một nền tảng vững chắc để đến Việt Nam và cùng làm việc với đội ngũ nhân sự người Việt.

Đội ngũ Grab người Việt với chuyên môn sâu giúp tôi hiểu về thị trường tốt hơn và chúng tôi chia sẻ các góc nhìn của nhau. Bên cạnh đó là sự hợp tác với các đối tác thương nhân và đối tác tài xế. Đây là nỗ lực chung của cả tập thể và điều này giúp tôi tự tin rằng Grab sẽ tiến xa hơn nữa.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 6.

- Chúng tôi được biết ông không thích ngồi phòng riêng mà sử dụng không gian chung tại văn phòng. Vì sao ông lại thích điều này?

Ở văn phòng Grab Việt Nam không ai có phòng làm việc riêng cả, nhưng chúng tôi có rất nhiều phòng họp, và tất nhiên là tôi có các cuộc họp trong phòng họp chứ. Hàng ngày, tôi ngồi làm việc cùng mọi người trong nhóm dù có thể họ thích tôi ở trong phòng riêng hơn (cười).

Đây là văn hóa tại Grab. Không chỉ riêng tôi mà tất cả các lãnh đạo Grab đều như vậy. Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, tạo điều kiện cho mọi người cùng tương tác với nhau và đảm bảo bất kỳ ai cũng có thể kết nối với lãnh đạo công ty.

- Nhân viên của ông “khoe” rằng ông hay đứng làm việc. Có bí mật gì phía sau điều này không?

Công việc của tôi thực chất là đi lại. Tôi di chuyển giữa các phòng họp, đi lại mọi chỗ trong văn phòng...

Chỉ đơn giản là đứng làm việc và đi lại giúp tôi tràn đầy năng lượng suốt cả ngày. Tôi không muốn ngồi mọi lúc. Tôi cần tìm cách tạo ra năng lượng để bản thân đầy sức sống. Đôi khi, cách bạn hành động có thể thực sự thúc đẩy cảm giác của bạn.

- Là một người đam mê xe máy, ông thấy đi lại bằng xe máy ở Việt Nam thế nào? Ông có mất nhiều thời gian để làm quen hay không?

Tôi cực kỳ thích đi xe máy tại Việt Nam. Tôi có 2 chiếc xe máy. Một chiếc phân khối lớn dùng để đi tới các tỉnh, thành xa và một chiếc xe ga scooter để đi lại trong thành phố. Tôi phải nói rằng lái xe trong thành phố là một nghệ thuật, và tôi phải làm quen một chút.

Tôi hạnh phúc vì được lái xe đi khắp nơi, nhìn ngắm và khám phá các vùng đất mới. Lên xe, vặn ga, dừng tại một nơi ngẫu nhiên, làm những việc ngẫu nhiên, trò chuyện với những người ngẫu nhiên gặp và cảm nhận. Đó thực sự là trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi.

CEO Alejandro Osorio mặc áo Grab, lái xe phân khối lớn phượt Hà Giang, Đà Lạt…: Tôi coi Việt Nam như nhà mình- Ảnh 7.

 

- Ông đã đi tới đâu trên đất nước Việt Nam bằng xe máy? Chuyến đi nào khiến ông ấn tượng nhất và tại sao?

Tôi đã đến rất nhiều nơi khác nhau, kể cả là ngẫu nhiên. Ở phía Bắc, tôi đã tới Hà Giang, Sa Pa, Cao Bằng. Phía Nam thì có Vũng Tàu, Phan Thiết, Mũi Né, Cam Ranh, Đà Lạt. Tôi vẫn chưa khám phá miền Trung nhiều bằng xe máy nhưng chắc chắn sẽ đến đó vào một ngày không xa.

Chuyến đi ấn tượng nhất với tôi là Hà Giang. Vẻ đẹp của Hà Giang quá đỗi tuyệt vời. Dù chuyến đi đó không dễ dàng gì vì tôi có gặp một tai nạn nhỏ trên đường, nhưng chuyện đó khiến tôi phấn chấn hơn. Tôi muốn quay lại Hà Giang nhưng trước mắt sẽ ưu tiên các điểm đến mới khác.

Một chuyến đi cũng rất đặc biệt khác diễn ra vào đầu năm nay, khi Giám đốc vận hành (COO) Grab có chuyến công tác tới Việt Nam. Điểm đến của chúng tôi là Đà Lạt, nhưng tôi quyết định di chuyển bằng xe máy một mình. Tôi phóng xe từ TP.HCM đi Phan Thiết, rồi đi dọc đường ven biển Cam Ranh để đến Đà Lạt.

Tại đây, chúng tôi gặp gỡ các đối tác tài xế Grab và đối tác cửa hàng, và vô cùng tự hào khi biết các dịch vụ Grab, đặc biệt là GrabFood, phát triển mạnh mẽ ở thành phố ngàn hoa. Đối với tôi, chuyến đi thật trọn vẹn khi kết hợp cả 2 việc ưa thích, đó là nghe chia sẻ từ các đối tác cũng như rong ruổi trên các cung đường bằng xe máy.

- Là một người ưa khám phá, quãng thời gian 1 năm qua để lại cho ông ấn tượng gì về đất nước và con người Việt Nam?

Tôi rất ấn tượng với tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của người Việt và thấy một mối liên hệ chặt chẽ với Grab. Tôi thấy những mọi người rất yêu thích ẩm thực, luôn tràn đầy năng lượng và có sức bền bỉ cao. Ngoài kia, mọi người luôn nỗ lực từng ngày để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn có thể thấy vô số sạp hàng di động hay bàn ghế nhựa của các hàng quán vỉa hè.

Từ hiện thực truyền cảm hứng đó, chúng tôi thấy cơ hội kết nối thêm nhiều cửa hàng và người bán với ứng dụng Grab, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ số như sứ mệnh mà chúng tôi đặt ra.

- Tình yêu của ông với ẩm thực Việt Nam vẫn còn chứ? Sau bánh mì, bún chả và bún nem, bây giờ đâu là món ăn Việt khoái khẩu của ông?

Bún chả luôn là món ăn số 1 trong lòng tôi. Nhưng trong chuyến đi xe máy tới An Giang vào đầu năm nay, tôi vô tình được thử món bò nhúng giấm tại một nhà hàng nhìn ra Núi Sam và “đổ” ngay lập tức. Tôi vẫn nhớ đến món ăn đó vì không thể tìm được hương vị và trải nghiệm tương tự ở nơi nào khác.

Bài: Y Vân - Thiết kế: Hải An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...