• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bữa trưa với TT Pháp và chiến dịch mật nhằm vào CEO Telegram: Nỗi lo sợ đằng sau vụ bắt Pavel Durov

Pavel Durov đã từng dùng bữa với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron 6 năm trước. Điện thoại của ông cũng từng bị hack bởi đặc vụ Pháp và UAE, WSJ cho biết.

Cuộc gặp với Macron và chiến dịch mật "Purple Music"

Sáu năm trước khi Pavel Durov bị bắt giữ tại sân bay Paris-Le Bourget, người sáng lập ứng dụng Telegram cũng có mặt ở Pháp nhưng trong một vị thế rất khác: dùng bữa với Tổng thống Emmanuel Macron.

WSJ dẫn nguồn thạo tin cho biết, trong bữa trưa năm 2018, sự kiện chưa từng được tiết lộ trước đây, Tổng thống Macron đã mời Durov chuyển Telegram đến Paris. Nhà lãnh đạo Pháp thậm chí còn thảo luận về việc cấp quốc tịch Pháp cho Durov. Nhưng ông chủ Telegram từ chối. 

Hôm 24/8, cơ quan chức năng Pháp đã tiến hành bắt giữ Durov để phục vụ cho một cuộc điều tra mà WSJ cho là mối đe dọa nghiêm trọng nhất tính đến thời điểm hiện tại đối với Telegram kể từ khi ứng dụng được ra mắt vào năm 2013.

Vụ bắt giữ khiến người ta chú ý tới mối quan hệ căng thẳng giữa Durov với chính phủ nhiều nước trên thế giới, những bên đã tìm cách để mời gọi hoặc kiểm soát ông, nhưng không thành công. 

Năm 2017, một năm trước cuộc gặp giữa Durov và ông Macron, các đặc vụ Pháp đã hợp tác với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong một chiến dịch chung nhằm hack iPhone của Durov, nguồn tin thân cận của WSJ cho hay.

Chiến dịch này chưa từng được tiết lộ, có bí danh là "Purple Music" (Nhạc tím). Được biết, các quan chức an ninh Pháp lúc đó rất lo ngại tới khả năng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng Telegram để tuyển binh và lên kế hoạch tấn công. 

Theo WSJ, chính phủ các nước nhắm tới Durov là do những nhóm người hứng thú với ứng dụng của ông, từ người biểu tình, các đối tượng bất đồng chính kiến cho tới phiến quân Hồi giáo, những kẻ buôn lậu ma túy và tội phạm mạng. 

Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy những cuộc thảo luận trước đó với Macron hoặc vụ hack điện thoại của Durov có liên quan tới vụ bắt giữ nhưng WSJ cho rằng những chi tiết này đã làm sáng tỏ thêm về mối quan hệ kéo dài và phức tạp giữa Durov với Pháp, cũng như UAE.

Pháp và UAE trao quốc tịch cho Durov vào năm 2021. Trong năm đó, quốc gia Vùng Vịnh đã đổ hơn 75 triệu đô la vào nền tảng của ông.

Nỗi phiền toái của cả Nga lẫn phương Tây

Bản thân Durov cho rằng ông đã nỗ lực để ngăn cản chính phủ các nước kiểm soát Telegram. Durov trở thành người hùng trong mắt các nhân vật theo chủ nghĩa tự do cá nhân như Elon Musk hay Edward Snowden. Hồ sơ cá nhân của Durov trên ứng dụng cho thấy một góc nhìn sống động về cuộc sống của ông. 

Hồi tháng trước, Durov có bài đăng cho biết ông là người hiến tinh trùng đa quốc gia và đã giúp 100 đứa trẻ của các cặp đôi ở 12 quốc gia chào đời. Gần đây, ông chủ Telegram đăng một loạt ảnh nằm trong bồn nước đá với những dòng chú thích: "Sự tò mò không biết sợ hãi thúc đẩy tinh thần đổi mới" và "Cách tốt nhất để bắt đầu một ngày mới là vài phút trong làn nước đá 0 độ C". 

Durov nổi danh ở Nga từ sớm với vai trò của một doanh nhân công nghệ có quan điểm tự do cá nhân. Khuynh hướng chính trị và sự hứng thú của ông đối với hệ thống tin nhắn mã hóa đã khiến ông trở thành một sự phiền toái đối với các cơ quan an ninh của cả Nga và phương Tây.

Bữa trưa với TT Pháp và chiến dịch mật nhằm vào CEO Telegram: Nỗi lo sợ đằng sau vụ bắt Pavel Durov- Ảnh 1.

Pavel Durov, CEO và là nhà sáng lập Telegram. Ảnh: Reuters

Năm 2006, Durov cùng các bạn học ở thời điểm đó đã cho ra đời VKontakte (VK), một mạng xã hội ở Nga tương tự như Facebook. VK nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng Nga, đặc biệt là phe đối lập. Điện Kremlin đã yêu cầu VK cung cấp thông tin người dùng nhưng Durov không đồng ý. Đến năm 2011, VK trở thành công cụ để tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn. Năm 2014, Durov quyết định từ chức, rời khỏi ban giám đốc của VK. 

Lúc đó, Durov vốn đã bắt đầu nghiên cứu một ứng dụng nhắn tin mới, sau này là Telegram. Durov mô tả ứng dụng này là một nền tảng có máy chủ phân bổ khắp thế giới. Một trong những cổ đông lớn nhất của VK nói rằng Durov đã biển thủ tiền từ công ty để phát triển Telegram nhưng Durov đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc này.

Sau đó, Durov di chuyển qua lại giữa Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ, tích lũy hộ chiếu trên hành trình. Ngoài Pháp và U.A.E., Durov còn có quốc tịch của St. Kitts và Nevis, một quốc đảo ở Caribe cấp quốc tịch cho những người có khả năng chi trả. Cuối cùng, Durov quyết định chọn UAE làm nơi đặt cơ sở Telegram. 

Hộ chiếu Pháp cho phép Durov tự do di chuyển ở châu Âu. Ông cũng đã vài lần đến Mỹ. Durov chia sẻ với tác gia Mỹ Tucker Carlson rằng, mỗi lần tới sân bay hay bất kỳ đâu ông lại được đón tiếp bởi đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), những người muốn có được sự hợp tác của ông. 

"Theo tôi hiểu thì họ muốn thiết lập một mối quan hệ để kiểm soát Telegram hiệu quả hơn, bằng một cách nào đó", Durov nói. 

FBI từ chối bình luận về thông tin này. 

Mặc dù Durov có chuyến thăm năm 2018 với Macron, cơ quan chức năng Pháp lâu nay vẫn nhìn Telegram với ánh mắt nghi ngại. Một cựu quan chức tình báo từ Tổng cục An ninh Nội địa của Pháp cho biết, việc chiếm lợi thế trên Telegram vốn là một nỗ lực lâu dài của cơ quan mật vụ Pháp. 

Durov đã dành nhiều năm để né tránh cả Điện Kremlin lẫn phương Tây. Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát năm 2022, người Nga và Ukraine dựa vào ứng dụng để cập nhật tin tức chiến sự, trong khi cơ quan chức năng và truyền thông của cả hai bên sử dụng kênh của mình để đưa ra quan điểm của mình.

Trao đổi với báo giới hôm 27/8, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng vụ việc nhằm Durov có thể coi là có yếu tố chính trị và là nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế tự do ngôn luận nếu Pháp không đưa ra được bằng chứng nghiêm trọng về tội lỗi của Durov.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định vụ bắt giữ Pavel Durov "không đời nào là một quyết định chính trị". Ông nhấn mạnh rằng cuộc điều tra do cơ quan pháp lý tiến hành, chứ không phải chính phủ Pháp.

Điều khiến Telegram bị "dè chừng"

Tối 28/8 (giờ địa phương), công tố viên Paris Laure Beccuau cho biết, Durov được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu euro (tương đương 5,56 triệu USD), với điều kiện phải báo cáo với cảnh sát 2 lần 1 tuần và không được rời khỏi Pháp.

Sau phiên điều trần tại Paris, Pavel Durov đã bị buộc tội ở Pháp với một số tội danh, bao gồm tiếp tay cho hoạt động buôn bán ma túy và tạo điều kiện cho hành vi phát tán nội dung lạm dụng tình dục trẻ em trên nền tảng Telegram.

Bữa trưa với TT Pháp và chiến dịch mật nhằm vào CEO Telegram: Nỗi lo sợ đằng sau vụ bắt Pavel Durov- Ảnh 2.

Telegram là một nền tảng phổ biến toàn cầu. Ảnh: Getty

Đây không phải là lần đầu tiên Telegram bị liên kết với các hoạt động bất hợp pháp.

Telegram là một nền tảng phổ biến toàn cầu cung cấp cả kênh phát sóng (trong đó người dùng có thể gửi tin nhắn và nội dung đa phương tiện cho một nhóm người) và cả các cuộc trao đổi thông tin giữa người dùng với nhau. Ứng dụng còn cung cấp dịch vụ trò chuyện "bí mật" được mã hóa đầu cuối - nghĩa là các tin nhắn chỉ được giải mã cho các bên tham gia cuộc trò chuyện. Không một ai, kể cả Telegram, có thể xem được nội dung này.

Tính năng đó, cũng như các tính năng bảo mật khác như tin nhắn tự hủy trở nên hữu ích cho những người dùng cần bảo vệ nguồn tin. Tuy nhiên, qua thời gian, Telegram cũng trở thành không gian cho các hoạt động cực đoan lan rộng.

Điều này đã khiến chính phủ một số nước quyết định gây áp lực để Telegram hợp tác hơn trong việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng. Dù vậy, cho tới nay, Telegram hầu như có thể tránh được những cuộc đối đầu pháp lý nghiêm trọng. Các công tố viên Paris đã lưu ý hôm 28/8 rằng Telegram đã từ chối hỗ trợ họ trong khi điều tra.

Trong nhiều năm, Telegram đã tảng lờ các trát đòi và lệnh triệu tập do cơ quan thực thi pháp luật gửi tới. Một nhân vật gần gũi với Durov tiết lộ cho WSJ rằng, những thứ này chồng chất trong một địa chỉ email không mấy khi được kiểm tra của công ty.

Telegram khẳng định, hiện tại ứng dụng tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu, đạo luật yêu cầu các công ty trực tuyến phải hợp tác với cơ quan chức năng trong nỗ lực chống lan truyền nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của họ.

WSJ cho rằng, lập trường cứng rắn mới của Pháp phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng, đặc biệt là ở châu Âu, về mối đe dọa mà các công ty kỹ thuật số lớn gây ra cho xã hội. 

Các cơ quan chức năng lo ngại rằng Telegram, X, TikTok và các nền tảng khác đang phát tán thông tin sai lệch, kích động chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và ngầm cho phép các hoạt động thương mại bất hợp pháp trên nền tảng của họ. Năm nay Pháp đã ra đạo luật yêu cầu các nền tảng trực tuyến hợp tác với cơ quan chức năng trong việc loại bỏ nội dung như vậy.

Đạo luật này tương tự Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU, bắt buộc các nền tảng trực tuyến "rất lớn" phải chấp hành và giám sát tăng cường. Tuy nhiên, tuần này, Telegram cho biết họ vẫn chưa đạt được ngưỡng 45 triệu người dùng hàng tháng trong liên minh để được coi là "rất lớn". 

Theo Gia Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết