• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh: Đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối

Ngoài bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, TP. Hồ Chí Minh còn đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vào các kênh siêu thị để phục vụ thị trường Tết.

Sẵn sàng nguồn cung tăng, giá ổn định

Tại TP. Hồ Chí Minh, để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh Tết được đầy đủ, không xảy ra thiếu hàng, sốt giá cục bộ, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai bình ổn thị trường.

Chia sẻ cụ thể, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Chương trình bình ổn năm nay khác với các năm trước là được triển khai có quy chế trên cơ sở đồng thuận, thống nhất theo hướng dẫn chung của sở nên việc thực hiện bài bản, nghiêm túc, đầy đủ.

“Theo thống kê, đến nay có 45 doanh nghiệp tham gia cung cấp, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm quan trọng. Đây là các doanh nghiệp lớn của nhiều chuỗi sản xuất, lưu thông phân phối”- ông Phương thông tin.

TP. Hồ Chí Minh: Đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối

Doanh nghiệp kỳ vọng sức mua và lượt khách mua sắm trong mùa kinh doanh tết tăng cao

Cũng theo ông Phương, năm nay các doanh nghiệp dành khoảng 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho hai tháng Tết Nguyên đán. Trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng để chuẩn bị hàng bình ổn thị trường (mặt hàng này chiếm 25-43%). Trung bình mỗi tháng dự kiến cung cấp 7.000 tấn gạo, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 11.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

“Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng nguồn hàng hóa, tổ chức bán hàng lưu động nếu có thiếu hàng cục bộ… và quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024 trong mọi tình huống”- ông Phương khẳng định.

Thực tế từ doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op- cho biết: Từ tháng 6 năm nay Saigon Co.op đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh Tết. Tới nay công tác dự trữ hàng hóa đã hoàn tất. Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 – 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.

“Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác. Với lượng hàng dồi dào, chúng tôi sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết”- ông Lê Trường Sơn thông tin.

Đưa đặc sản vùng miền vào Thành phố

Ngoài chuẩn bị nguồn hàng số lượng lớn, giá cả ổn định, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, năm 2023 là năm cao điểm Thành phố đẩy mạnh liên kết vùng. Theo đó, Thành phố tổ chức tổng kết và ký hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước. Đây là hoạt động kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thành phố; đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng, nhất là các dịp Lễ, Tết.

Cũng theo ông Phương, qua hoạt động liên kết vùng và kết nối trực tiếp với doanh nghiệp phân phối, tới nay đã có hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP được tiếp cận, chào hàng người tiêu dùng Thành phố. Đáng chú ý, nhiều hệ thống phân phối còn có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Trong đó hệ thống siêu thị Co.opmart có 70 sản phẩm, hệ thống GO!, BigC, Top Market có 145 sản phẩm, hệ thống Satra có 34 sản phẩm, MM Mega Market có 106 sản phẩm… Đáng mừng hơn, nhiều sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng đón nhận, gồm yến đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi - VICOSAP, hạt điều rang muối Hà My, nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn, trà hoa vàng Quy Hoa, trà đinh Hoài Trung, mật hoa dừa Trà Vinh Farm…

Tăng kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết

Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng gian hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là hoạt động quan trọng từ nay đến cuối năm mà TP. Hồ Chí Minh triển khai.

TP. Hồ Chí Minh: Đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thông tin về các biện pháp quản lý thị trường, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết với báo chí chiều ngày 14/12/2023.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện các mục tiêu trên, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (sữa các loại, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến,...), phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng.

Cùng với đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại ...; đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giả bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết