Tiếp tục thêm nhiều dự án bất động sản được gỡ vướng
Kể từ cuối năm 2022 đến nay, có khoảng 500 dự án đang được tháo gỡ.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai cho Tập đoàn Đất Xanh chuyển nhượng 2.305 thửa đất tại dự án Gem Sky World. Dự án này có diện tích hơn 90 ha được Công ty Hà An (thành viên của Tập đoàn Đất Xanh) trúng đấu giá năm 2019 với giá hơn 3.000 tỉ đồng. Ngay khi trúng đấu giá, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng và ký hợp đồng bán cho khách hàng. Tuy nhiên sau đó Sở Xây dựng "tuýt còi" do huy động vốn sai luật. Điều này khiến chủ đầu tư và cả các khách hàng điêu đứng vì ngân hàng dừng cho vay vốn.
Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh đã và đang tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch phân khu C4 cho một số doanh nghiệp như: Novaland, Nam Long và một số đơn vị khác.
Từ năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác xử lý các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác gồm tổ tháo gỡ vướng mắc về dự án chậm triển khai, tổ xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, và tổ phát triển nhà ở xã hội.
Cả ba tổ đều do lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng. Bước đầu tháo gỡ để một số dự án được bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, những khó khăn vướng mắc khác sẽ tháo từng phần. Với những vướng mắc liên quan đến cấp cao hơn, tỉnh phải đăng ký làm việc các bộ ngành để giải quyết cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ vướng mắc còn theo trình tự, vướng chỗ nào tham mưu chỗ đó mà chưa thông suốt tổng thể, liên tục để giải quyết toàn bộ. Điều này khiến tháo xong chỗ này thì lại vướng chỗ khác nên còn chậm.
Sở dĩ việc tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp chậm do hiện nay có 2 nội dung liên quan đến yếu tố pháp luật. Đó là các dự án bất động sản trải qua nhiều thời kỳ, pháp luật đan xen. Bản thân quy định pháp luật khi ban hành mới lại chưa thống nhất, đồng bộ với quy định chuyển tiếp.
Chưa kể, việc tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành khi chuyển tiếp cũng khác nhau, dẫn đến yếu tố chuyển tiếp cần trao đổi, nhìn nhận thống nhất và xin ý kiến của bộ, ngành, Tổ công tác Chính phủ để áp dụng cho thống nhất.
Thứ hai, vướng mắc liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, từ việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc cũng phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung. Phải xác định được nghĩa vụ tài chính và nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính thì thủ tục sau mới thông suốt.
Hiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng cả nước đang có 1.200 dự án bất động sản trị giá đến 30 tỉ USD đang chờ gỡ vướng, trong đó vấn đề pháp lý chiếm đến 80% những khó khăn.
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết từ đầu năm đến nay có gần 6.000 sản phẩm bất động sản được giao dịch thành công, cho thấy thị trường có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm 10% so với điều kiện bình thường.
Các vướng mắc về pháp lý chiếm đến 80% khó khăn của doanh nghiệp và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị NH Nhà nước xem xét gia hạn thời gian thực hiện thông tư 02 về giãn nợ nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hồi phục. Đồng thời, một số doanh nghiệp kiến nghị NH Nhà nước chỉ đạo sát sao để các NH thương mại hạ lãi suất cho vay hỗ trợ thị trường bất động sản khi mà lãi suất huy động đã giảm xuống mức khá thấp.
Bảo Anh
Nhịp sống thị trường