Thanh long ruột đỏ đi Nhật bị dừng đơn hàng đột ngột
Vừa qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản ở Long An cho biết, đơn hàng của họ bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, sâu xa là câu chuyện liên quan đến vấn đề bản quyền giống, đối với trái cây xuất khẩu. Nhiều nông dân trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu đi Nhật như đang "ngồi trên đống lửa".
Theo kế hoạch, một số lượng thanh long tại huyện Châu Thành, Long An sẽ được thu hoạch để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản . Tuy nhiên, đến hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thể thu mua cho bà con nông dân. Giờ toàn bộ số thanh long này có khả năng sẽ được bán ở chợ. Nhà vườn phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái.
Sở dĩ có tình trạng này là do thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long bị vướng rào cản bất ngờ. Trước đây, việc cấp mã số vùng trồng không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc có yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống. Nhưng đa số các vùng trồng thanh long của bà con không đáp ứng yêu này.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật bị dừng đơn hàng đột ngột.
Đa số bà con nông dân ở Long An đều canh tác giống thanh long ruột đỏ LD1. Để có mã số vùng trồng, bà con phải có chứng nhận bảo hộ giống cây trồng. Giống này Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán bằng bảo hộ giống cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với thời gian 20 năm. Người dân, doanh nghiệp khác muốn được cấp giấy chứng nhận bảo hộ giống phải thông qua công ty này.
Điều đáng nói là trước đó, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đã bán giống thanh long ruột đỏ cho bà con trồng đại trà. Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan. Nếu giải quyết không ổn thoả, quyền lợi của các doanh nghiệp, nông dân và quyền lợi quốc gia trong việc xuất khẩu thanh long sang các thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.
Yêu cầu về bản quyền giống với nông sản xuất khẩu
Nhật Bản hiện chỉ công nhận duy nhất một giống thanh long LD1 của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, sẽ chỉ có loại thanh long này được phép vào Nhật, với điều kiện có chứng nhận bảo hộ giống.
Tuy nhiên, chỉ có doanh nghiệp Hoàng Phát là có bằng bảo hộ giống thanh long này. Còn hàng nghìn ha thanh long LD1, của hàng trăm hợp tác xã không có đăng ký bảo hộ bản quyền sử dụng giống sẽ giải quyết ra sao? Câu trả lời chờ sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan.
Thực tế, khái niệm về "bản quyền, hay chứng nhận bảo hộ giống" còn khá xa lạ với nhiều nông dân, doanh nghiệp. Ngay cả ở những vùng nông sản đã được xuất khẩu bấy lâu nay bởi đa số thị trường nhập khẩu, mới chỉ dừng lại ở yêu cầu về mã số vùng trồng, với các yêu cầu về diện tích, sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên bản quyền giống là đòi hỏi tất yếu mà trước sau gì, các nông sản của Việt Nam cũng phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu.
Nhật Bản đã bắt đầu nhập khẩu thanh long Việt Nam từ năm 2009, tuy nhiên trước đây việc cấp mã số vùng trồng thanh long xuất đi Nhật không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, thị trường này mới có thêm yêu cầu này.
Việc đăng ký bản quyền giống thanh long nói riêng và các giống cây trồng khác là rất cần thiết nhằm tránh việc "xài chùa". Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, hiện không riêng Nhật Bản, mà một số nước nhập khẩu nông sản cũng có yêu cầu chứng nhận nguồn gốc giống. Việc đăng ký bản quyền giống thanh long nói riêng và các giống cây trồng khác là rất cần thiết nhằm tránh việc "xài chùa". Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.
Rõ ràng việc nông sản phải tuân thủ yêu cầu của thị trường nhập khẩu ở đây là bản quyền, bảo hộ cây giống là yêu cầu tất yếu nếu muốn nông sản của ta được thị trường nhập khẩu chấp nhận. Việc này nhằm tránh vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tháo gỡ nút thắt về bản quyền giống
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2.000 tấn thanh long sang Nhật Bản, tức chiếm khoảng 80% thị phần thanh long bán tại Nhật. Để giữ được vị thế này, vấn đề vướng mắc về bản quyền giống thanh long sang Nhật cần sớm được tháo gỡ.
Không riêng với trái cây, yêu cầu về giống có bản quyền cũng được các thị trường thế giới đặt ra đối với hoa tươi. Vùng chuyên canh hoa lớn nhất nước là Lâm Đồng, từ nhiều năm qua, nạn sao chép lậu giống hoa, vi phạm bản quyền giống hoa, luôn là câu chuyện nóng ở vùng trồng hoa Đà Lạt. Đây cũng là vấn đề mà tỉnh Lâm Đồng đang tập trung giải quyết bằng nhiều cách.
Những giống hoa mới được thị trường ưa chuộng, được giá bán lẽ đương nhiên nông dân nào cũng muốn có. Nhưng để có những giống hoa này, cách lâu nay mà nhiều nông dân Đà Lạt vẫn làm lại là khai thác lậu. Đây cũng là lý do khiến cho trong 3 tỷ cành hoa mỗi năm đưa ra thị trường từ vùng hoa Đà Lạt, lượng hoa xuất khẩu chỉ chiếm 10%.
Những năm qua, bằng nhiều kênh khác nhau như dành kinh phí mua giống hoa, hoặc thông qua con đường hợp tác, trao đổi, tỉnh Lâm Đồng đã nhập về những giống hoa mới có bản quyền, sau đó chuyển giao cho nông dân.
Không riêng với trái cây, yêu cầu về giống có bản quyền cũng được các thị trường thế giới đặt ra đối với hoa tươi.
Dalat Hasfarm là nhà sản xuất hoa hàng đầu tại Việt Nam. Công ty này sở hữu hàng trăm giống hoa nhập khẩu. Liên kết sản xuất với Dalat Hasfarm có 200 nông hộ. Đây cũng là những nông dân đầu tiên ở Đà Lạt tiếp cận được những giống hoa mới có bản quyền.
Giống hoa nông dân canh tác được phía Dalat Hasfarm cung cấp, yêu cầu hàng đầu là nông dân buộc phải thực hiện đúng như cam kết với công ty là không sao chép những giống hoa này.
Tỉnh Lâm Đồng xác định, giải quyết nút thắt bản quyền giống hoa bắt đầu từ sự tham gia của các doanh nghiệp trong mối gắn kết với nông dân, từng bước tạo thói quen sử dụng cây giống có bản quyền trong nông dân. Riêng đối với sản xuất hoa đây là con đường để hoa Đà Lạt vươn tầm thế giới.
Kinh nghiệm từ vùng trồng hoa Đà Lạt có thể giúp những ngành hàng khác có thể tham khảo. Việc thực hiện đúng quy định về sở hữu trí tuệ, bản quyền cũng phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp Việt, đủ sức cạnh tranh với các nước nông nghiệp khác về sau.
Theo Ban Thời sự
VTV.VN