Tại sao thế giới say mê cà phê Việt Nam
Mới đây, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Alas đã xếp hạng Cà phê sữa đá Việt Nam đứng thứ 2 trong top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới. Với hương vị thơm ngon bậc nhất, cà phê Robusta Việt Nam ngày càng được yêu chuộng trên toàn cầu và cần thêm nhiều động lực, nguồn lực để phát triển đúng với tiềm năng, vị thế của mình.
Hương vị cà phê của các chuyên gia
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu (sau Brazil). Với hương thơm đặc biệt, thể chất đậm từ nguồn nguyên liệu cà phê Robusta Buôn Ma Thuột nổi tiếng toàn cầu, cà phê Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến và công nhận.
Mới đây, trên chuyên trang ẩm thực Taste Atlas, được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, cà phê sữa đá Việt Nam – được pha chế từ cà phê Robusta, đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới, cùng 4,6/5 điểm với cà phê Ristretto của Ý ở vị trí đầu bảng.
Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín.
Năm 2022, tạp chí du lịch Canada The Travel đã nêu những quốc gia có cà phê ngon nhất thế giới, trong đó cà phê Việt Nam được nhắc đến đầu tiên.
Năm 2020, trong một bài viết trên CNN "Why the world is waking up to Vietnamese coffee" (Vì sao thế giới thức tỉnh với cà phê Việt) , cà phê Việt Nam được giới thiệu như một thức uống phổ biến với nhiều cách pha chế khác nhau.
The New York Times cũng đăng bài báo với tựa đề "In Vietnam, Coffee Culture Brims With New Energy" vào tháng 3 năm 2020, đánh giá cà phê Việt Nam đang trở thành một thương hiệu quốc gia với những hương vị đa dạng và độc đáo.
Tại các cuộc thi cà phê quốc tế hàng đầu như The Best of the World, International Catering Cup,…, thương hiệu hạt cà phê Robusta Việt Nam được công nhận từ giới chuyên gia và đạt các giải thưởng. Những tổ chức uy tín như Rainforest Alliance, UTZ và Fairtrade chứng nhận cà phê Robusta Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế. Tại World Barista Championship tháng 9/2022, Takayuki Ishitani, nhà vô địch Nhật Bản năm 2017 và 2019, đã sử dụng TR4 - loại Robusta của Việt Nam.
Không những danh tiếng cà phê Việt Nam ngày càng vang xa trên truyền thông thế giới, trong những năm gần đây, chất lượng cà phê Robusta Việt Nam tiếp tục được các cường quốc tiêu thụ cà phê hàng đầu công nhận. Trong hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cà phê Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại những quốc gia vốn là cường quốc cà phê thế giới. 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê Việt Nam của Đức đạt 494,9 triệu USD, tăng 58,2%; của Pháp là 57 triệu USD, tăng 78,7%; và của Canada là 28 triệu USD, tăng 91%… Đặc biệt, ngay tại Ý – quốc gia xếp hạng nhất về tiêu thụ và sành cà phê, quê hương của những ly cà phê làm say đắm toàn cầu như Espresso, Cappuchino,… với đòi hỏi cao nhất về chất lượng gần đây cũng tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Mới đây nhất, tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Ý đạt 17.270 tấn, trị giá gần 36 triệu USD, tăng 79% về lượng và tăng 81,5% về trị giá so với tháng 12.2022.
Hành trình khẳng định vị thế cường quốc trên bản đồ cà phê thế giới
Năm 1857, người Pháp đã đưa cà phê vào Việt Nam trong cuộc chinh phục thuộc địa, tuy nhiên mãi đến năm 1914, người Pháp chọn Buôn Ma Thuột làm nơi chuyên canh cây cà phê Robusta dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao… Đến năm 1922, vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk đã nhanh chóng được phủ một màu xanh bạt ngàn với những nông trang cà phê do người Pháp quản lý. Với chất lượng và hương vị tự nhiên thơm đặc trưng, thể chất đậm đà cà phê Robusta Buôn Ma Thuột khi ấy chủ yếu được xuất về Pháp. Chỉ số lượng ít những người làm việc cho chính quyền Pháp có được cơ hội tiếp cận thưởng thức cà phê theo lối sống phương Tây, trong khi đó, người lao động đơn thuần xem là thức uống tăng cường năng lượng để làm việc. Văn hóa cà phê của Việt Nam khi đó hoàn toàn chưa được định hình, tạo nên một chuẩn mực riêng nào.
Đến năm 1986, đất nước bước vào giai đoạn mở cửa, tham gia toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tại tỉnh Đắk Lắk, chính quyền đã chủ trương trồng mới, thâm canh rộng rãi cà phê trong nhân dân, hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột, Cư M'gar, Krông Pắk, Krông Năng và các huyện lân cận. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hơn 40 năm nay, cây cà phê đã định hình là cây trồng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích hơn 200.000ha. Cùng sự gia tăng về diện tích, sản lượng canh tác, công cuộc đổi mới, hội nhập thế giới liên tục diễn ra, đem lại nhiều cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất chế biến cà phê, đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra với thế giới.
Trong đó, Trung Nguyên Legend là một thương hiệu tiêu biểu, tiên phong trong hành trình đưa cà phê Việt Nam lên bản đồ thế giới. Với những sản phẩm cà phê từ rang xay, hòa tan, chuyên biệt có thương hiệu Trung Nguyên, G7, Trung Nguyên Legend mang bản sắc văn hóa cà phê Việt Nam, đáp ứng xu hướng thưởng thức cà phê của thế giới, tập đoàn Trung Nguyên Legend đã đưa hạt cà phê Robusta của Buôn Ma Thuột đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2005, Trung Nguyên Legend đã cùng tỉnh Đắk Lắk tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa cà phê, đánh dấu bước ngoặt của ngành cà phê gắn với Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đăng bạ. Năm 2007, tiếp tục tổ chức Tuần lễ văn hóa cà phê tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2011, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia, tổ chức mỗi 2 năm 1 lần thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Đến tháng 11/2012, tham dự Hội thảo “Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế” lần thứ 13 tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ), Trung Nguyên Legend đã đưa ra khái niệm về “học thuyết cà phê” và “7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu”. Sáng kiến về Xây dựng Thủ phủ Cà phê Toàn cầu đã được đăng tải trên Tạp chí Global Coffee Review - một trong những tạp chí uy tín nhất trong ngành cà phê toàn cầu, phát hành trên toàn thế giới.
Đến nay, sau hơn 1 thập kỷ tự nhận lãnh trách nhiệm, tiên phong đồng hành, đóng góp mọi nguồn lực cùng với Chính phủ, với UBND tỉnh Đắk Lắk, các Bộ, ban, ngành địa phương, tầm nhìn về một cộng đồng cà phê toàn cầu - sáng kiến thứ 2 trong “7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu” đã được tập đoàn Trung Nguyên Legend triển khai, từng bước hiện hình với dự án Thành phố Cà phê và công trình biểu tượng của ngành cà phê Việt Nam – Bảo tàng thế giới cà phê. Dự án Thành phố Cà phê với quy mô 45,45 ha, khởi công từ tháng 1/2017 đến nay đang dần hiện hình theo đúng tầm nhìn trở thành đô thị lõi của Tây Nguyên, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới. Bảo tàng Thế giới Cà phê, một công trình biểu tượng cho ngành cà phê Việt Nam và đóng góp cho ngành cà phê thế giới, đã trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng của Đắk Lắk và cả thủ phủ Tây Nguyên. Đây cũng là “Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!” (Theo AP) , lưu giữ hơn 11.000 hiện vật của ba nền văn minh cà phê tiêu biểu, có niên đại nhiều thế kỷ. Sau hơn 4 năm mở cửa, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón tiếp gần 4 triệu lượt khách từ hơn 22 quốc gia, góp phần nâng doanh thu ngành du lịch Đắk Lắk tăng hơn 473%.
Trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được tổ chức sau 4 năm gián đoạn vì đại dịch với tinh thần hội nhập quốc tế, phong cách hiện đại và quy mô lớn nhất từ trước đến nay dự kiến tạo sức hút mạnh mẽ. Đây là dịp đặc biệt để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, giới truyền thông cùng đóng góp ý tưởng làm rõ bản sắc, định hình và lan tỏa sức hấp dẫn của văn hóa cà phê Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt Nam xứng đáng với tiềm năng và vị thế của nó, cũng như tạo nên niềm tự hào chung của người Việt Nam trên toàn cầu.
Theo P.V
Tiền Phong