• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người lao động thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá”

Trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng đạt đỉnh mới, loạt hàng hóa tăng theo khiến người lao động, nhất là người có thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá”.

Vừa qua, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380 - 990 đồng một lít. Cụ thể theo điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng một lít; RON 95-III là 32.870 đồng một lít; Dầu diesel tăng lên mức 30.010 đồng một lít; Dầu hoả là 28.780 đồng một lít. Giá nhiên liệu tăng kéo theo loạt hàng hóa, thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá theo do chi phí sản xuất, vận chuyển tăng.

Việc tăng giá đã khiến nhiều người lao động, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên… phải chật vật thắt chặt chi tiêu trong cơn "bão giá".

Thực phẩm tại chợ truyền thống tăng cao nhiều ngày gần đây

Thực phẩm tại chợ truyền thống tăng cao nhiều ngày gần đây

Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau - củ - quả tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Đơn cử như đậu cô-ve những tuần trước có giá từ 27.000 đồng/kg đã tăng lên 35.000 đồng/kg, đu đủ có giá từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg... Nhiều loại rau củ khác như bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây... cũng tăng giá ở mức tương tự.

Nhiều tiểu thương cho biết, khác với trước đây, giá cả những ngày gần đây thay đổi thất thường rất khó dự đoán.

“Giá lên xuống liên tục thất thường lắm, nhiều mặt hàng tăng cao quá không bán được. Người dân cũng mua ít lại vì giá tăng nhưng chi phí sinh hoạt vẫn thế khiến buôn bán cũng ế ẩm hơn”, cô Hồng, tiểu thương bán rau tại chợ Phú Lâm, Quận 6 chia sẻ.

Trước việc hàng hóa liên tục tăng cao, nhiều người cũng "ngao ngán" khi chia sẻ về việc này. Chị Hồng Cúc (công nhân tại huyện Hóc Môn) cho biết, hai vợ chồng chị đang phải thắt chặt chi tiêu để có thể đủ tiền gửi về quê nuôi con.

“Những lần xăng tăng trước tôi vẫn chưa thấy giá cả tăng quá cao, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng, những tháng gần đây giá cả tăng chóng mặt, tăng từng ngày khiến chi phí sinh hoạt của 2 vợ chồng phát sinh một khoản khá lớn. Tôi và chồng phải tìm cách tiết kiệm hơn, ăn uống không thoải mái như trước để dành dụm tiền gửi về quê nuôi con. Suốt hơn 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, khó khăn lắm vợ chồng mới vượt qua được, nay bớt dịch thì gặp cảnh “bão giá”, chị Cúc chia sẻ.

Tương tự, chị Kim Oanh (nhân viên văn phòng, quận Gò Vấp) cho biết, so với số tiền đi chợ như trước đây thì hiện tại lượng thức ăn chị mua ít hơn trước rất nhiều.

“Với số tiền đi chợ như trước thì hiện tại tôi bị thiếu khi mua đồ ăn, do đó phải tăng tiền ăn lên. Xăng tăng thì chi phí đi lại cũng tăng, trong khi tiền lương thì vẫn như cũ nên mỗi tháng dường như số tiền dành dụm rất ít hoặc thậm chí không có”, chị Oanh chia sẻ.

Bạn Ngọc Nhi (sinh viên năm 3 một trường đại học) chia sẻ, để có thể trang trải được cuộc sống thời “bão giá”, bạn phải cắt giảm nhiều chi tiêu và phải đi làm thêm.

“Thay vì đi xe máy thì giờ em đi xe buýt nhiều hơn, ăn uống cũng không còn thoải mái như trước. Một số quán ăn ở gần trường đã tăng giá nhẹ rồi nên dù thời gian đi học, đi làm thêm khiến em khá mệt nhưng em vẫn cố găng nấu ăn để tiết kiệm”, bạn Nhi nói.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, những tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ). Tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết