Giá xăng dầu tăng: Các bộ sẽ kiểm soát chặt giá hàng hóa?
Mỗi khi giá xăng tăng, đủ loại hàng hoá thiết yếu cho người dân như rau xanh, thịt cá rục rịch tăng theo. Bộ Tài chính cho biết, sẽ kiểm soát chặt, xử phạt đơn vị, cá nhân tăng giá bất hợp lý theo kiểu “té nước theo mưa”.
“Tôi có 20 xe chạy tuyến cố định nhưng chúng tôi phải tìm cách dồn chuyến, dồn khách để tiết kiệm chi phí. Do không thể tăng giá vé theo giá xăng dầu nên xe càng chạy, công ty càng lỗ”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Minh Hải, chủ một doanh nghiệp có 15 container chuyên chạy chuyến Bắc - Nam chia sẻ, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Theo ông Hải, cách đây 4 tháng, giá dầu chỉ khoảng 19.000 đồng/lít nhưng hiện giờ lên trên 24.000 đồng/lít. “Một chuyến xe container 30 tấn có giá vận chuyển bao gồm các loại phí, xăng, dầu từ Hà Nội đi Kiên Giang đã lên 50 triệu đồng. Hiện, doanh nghiệp đang phải bù lỗ, không dám tăng giá vì sợ mất khách. Tôi mong cơ quan quản lý phải có dự báo về tình hình xăng dầu ít nhất trong 6 tháng để doanh nghiệp ứng phó kịp thời”, anh Hải cho biết thêm.
Dù giá cước vận tải chưa tăng nhưng nhiều mặt hàng tại các chợ truyền thống đã rục rịch tăng giá.
Chị Hoà, tiểu thương bán rau tại chợ Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) đang phải cố gắng co kéo giá bán, hạn chế tăng để giữ khách. Dù vậy, tại sạp của chị Hoà, một số mặt hàng cũng phải nhích nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg, như rau cải, cà chua, súp lơ....
Ki ốt bán đồ khô vắng vẻ trong buổi sáng 25/9, chị Minh Lý (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sức tiêu thụ hàng hoá gần đây chậm, nhưng vẫn buộc phải tăng giá bán. Các mặt hàng phổ biến như dầu ăn tăng 5.000 đồng/chai, bột nêm tăng 20.000 đồng/thùng.
Giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, cá cũng biến động. Thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg, giá sườn thăn cao nhất 160.000 đồng/kg.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khâu trung gian là vấn đề muôn thuở, cục bộ kéo giá trong chuỗi cung ứng. Chừng nào không giải quyết triệt để sự can thiệp “thô bạo” của khâu trung gian, giá cả hàng hoá sẽ tiếp tục bị bàn tay vô hình thao túng.
“Một quả trứng, bó rau từ người nông dân đến người tiêu dùng bị khâu trung gian tăng giá bán gấp đôi. Các bên từ người sản xuất, chăn nuôi, trung gian, bán lẻ cần ngồi lại với nhau, cân bằng lợi ích, rút ngắn chuỗi cung ứng để hàng hoá đến tay người tiêu dùng với giá phù hợp nhất”, ông Doanh kiến nghị.
Giám sát kê khai niêm yết giá
Ông Đỗ Huy Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, việc hàng hoá ở chợ dân sinh tăng theo giá xăng là quy luật của thị trường. Hiện nay, khó phân định, mặt hàng do tiểu thương vận chuyển trực tiếp bằng xe máy và vận chuyển bằng xe tải.
“Mặt hàng xăng dầu rất nhạy cảm. Giá xăng dầu tăng mà yêu cầu mặt hàng đứng im cũng khó. Tuy nhiên, cũng phải xem xét mức tăng bao nhiêu”, ông Trung nói.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, xăng dầu là một trong các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Đà tăng của giá xăng dầu sẽ tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ do xăng dầu là yếu tố đầu vào.
“Giá vận tải tăng cục bộ tại một số địa bàn, một số mặt hàng có thể sẽ phát sinh tình trạng lợi dụng diễn biến của giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa”. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương có biện pháp quản lý, điều hành giá”, đại diện Cục Quản lý giá cho biết.
Theo Cục Quản lý giá, để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã yêu cầu UBND tỉnh, thành phố, sở tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá. Công khai thông tin giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”.
Theo Nhóm PV
Tiền Phong