• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá nhà trọ cho sinh viên “đến hẹn lại tăng”

Cứ đến thời điểm tân sinh viên các trường chuẩn bị nhập học cũng là lúc giá nhà trọ “đến hẹn lại tăng”. Cùng với giá điện, giá nước, giá thuê nhà tăng cao gây nhiều khó khăn cho các bạn trẻ đang học tập, làm việc ở Thủ đô.

Giá nhà trọ tăng cao, sinh viên lao đao

Dù đã thuê trọ ở khu Mai Dịch (Cầu Giấy) được nửa năm nhưng mới đây, Đào Nam Khánh (sinh viên trường Đại học Thương mại) nhận được thông báo từ chủ nhà, đầu tháng 9, tiền thuê sẽ tăng từ 4,6 triệu đồng lên 5 triệu đồng/tháng. Phòng trọ của Khánh chỉ vỏn vẹn 20m2, hai người ở nên rất chật chội, ngoài 1 chiếc giường đôi thì không gian còn lại cũng chỉ đủ để kê thêm cái tủ và bàn học nhỏ cùng mấy thứ lặt vặt.

Cứ đến thời điểm các trường đại học chuẩn bị nhập học  là giá thuê trọ lại tăng

Cứ đến thời điểm sinh viên chuẩn bị nhập học là giá thuê trọ lại tăng

“Tôi học năm thứ 3 thì bằng ngần ấy thời gian, cứ vào lúc sinh viên chuẩn bị nhập học là phòng trọ lại tăng giá. Năm nào cũng tăng vài trăm nghìn đồng nhưng cộng thêm mỗi thứ nhích lên một chút khiến sinh viên xa nhà lao đao vì giá cả”, Nam Khánh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực gần những trường đại học lớn như: Dịch Vọng, Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (Đống Đa)... hầu như các nhà trọ đều kín khách thuê. Để tìm được căn phòng còn trống không dễ dàng ở thời điểm này, nếu còn thì là những căn có giá cao.

Nhiều tân sinh viên đã gấp rút tìm phòng trọ trước thềm năm học mới (Ảnh một chung cư mini có nhiều sinh viên ở tại khu vực Mai Dịch, Cầu Giấy)

Nhiều tân sinh viên đã gấp rút tìm phòng trọ trước thềm năm học mới (chung cư mini có nhiều sinh viên ở tại khu vực Mai Dịch, Cầu Giấy)

Giá nhà trọ cho sinh viên “đến hẹn lại tăng”

Ở quận Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, giá phòng trọ cũng tăng cao. Để có thể thuê một căn phòng bình dân, diện tích khoảng 15 đến 20m2, cách trường sinh viên đang học trong vòng bán kính khoảng 1km đổ lại, các bạn trẻ phải bỏ ra ít nhất từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng

Hai ngày nay, bạn Nguyễn Thị Thu Hương, tân sinh viên Đai học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đi tìm phòng trọ ở gần trường mà vẫn chưa tìm được. “Tìm được căn phòng ưng ý, gần trường rất khó. Hiện nay, giá một phòng nhỏ, 2 người ở chung cũng rơi vào từ 4 – 5 triệu/1 tháng, mức giá này hầu như đã kín phòng. Những phòng trọ sạch đẹp, hiện đại, an ninh tốt thì giá còn cao hơn. Vì vậy mình quyết định ở xa cho đỡ tiền thuê nhà”, Thu Hương chia sẻ.

Theo lời kể của Nguyễn Thảo Nguyên, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhà thông báo tăng tiền thuê nhà từ tháng sau khiến cả xóm trọ nháo nhác. Khu trọ toàn sinh viên nên ai cũng bần thần cả người.

“Dù chủ có tăng tiền thuê phòng trọ thì cũng vẫn phải ở, vì khu vực này gần trường mình học, mà quanh đây, khu trọ nào hầu như cũng đều tăng giá. Bên cạnh đó là khi chuyển nhà có nhiều thứ “ngại” như: đồ đạc lỉnh kỉnh, tìm một người hợp mình rất khó... Vì vậy, chúng mình đành chi tiêu tiết kiệm và đi làm thêm để trang trải cuộc sống”, Thảo Nguyên cho biết.

Nhà trọ càng ở gần trường học, giá càng cao

Nhà trọ càng ở gần trường học, giá càng cao

Cẩn thận với chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó”

Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm cho thuê phòng trọ khu vực Hà Nội liên tục xuất hiện thông tin sang nhượng phòng trọ gấp. Thậm chí nhiều người nhượng phòng còn sẵn sàng hỗ trợ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng nếu người thuê mới chuyển đến ở ngay để họ có thể rút tiền cọc theo hợp đồng. Không ít người chuyển nhượng phòng gấp là do giá thuê nhà tăng đột ngột.

Nhiều bạn sinh viên cho biết, có những căn phòng đăng trên hội nhóm cho thuê một thời gian gian dài không có người thuê nhưng hiện tại, khi hỏi đến thì chủ nhà cũng đã báo tăng giá lên vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Đơn cử như căn phòng 16m2 tại Đê La Thành (quận Đống Đa) đã được chủ nhà trọ nâng mức giá từ 2,2 triệu lên thành 2,7 triệu đồng/tháng. Lý giải về việc tăng giá phòng, chủ nhà trọ này cho biết, bước vào năm học nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao, vì thế giá phòng trọ cũng sẽ tăng theo.

Cô Nguyễn Thị Hương, chủ 2 phòng trọ ở khu vực Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết: "Giá nhà trọ thường tăng vào dịp đầu năm học, khi sinh viên chuẩn bị nhập học. Tuy nhiên phòng trọ cũng chỉ được giá vào thời điểm này, sau đó một thời gian, các bạn trẻ lại tự đi tìm nơi ở và người ở ghép rồi chuyển đi. Giá cả sau đó sẽ được thoả thuận theo hợp đồng. Nếu các bạn sinh viên muốn ở lâu dài thì có thể đề xuất với chủ nhà trọ để được ưu tiên với giá thấp hơn".

Nhiều sinh viên, người có thu nhập thấp đang đăng tin nhượng phòng, trả phòng gấp

Nhiều sinh viên, người có thu nhập thấp đang đăng tin nhượng phòng, trả phòng gấp

Thực tế, để tìm được một chỗ ở phù hợp với tài chính của sinh viên là điều không dễ dàng. Chưa kể, có những bạn sinh viên không cẩn thận còn “dính” bẫy lừa đảo trên mạng xã hội, khi nhiều chủ cho thuê trọ "treo đầu dê, bán thịt chó". Có những bạn chỉ mới xem hình ảnh căn phòng được quảng cáo trên Fakebook, thấy giá rẻ đã vội đặt tiền để giữ phòng. Tuy nhiên khi đến nơi thì thất vọng bởi nơi ở thực tế khác so với ảnh và mô tả trên mạng. Do đặt tiền rồi nên các bạn đành ngậm ngùi ở.

Bạn Nguyễn Văn Toàn, sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Mình không ngờ việc thuê phòng trọ lại khó khăn như vậy. Mình đã xem trên mạng rồi liên hệ đến xem trực tiếp nhiều nơi nhưng hầu hết chất lượng phòng đều không xứng với hình ảnh trên mạng và giá mà chủ trọ đề ra.

Ví dụ như một khu trọ ở đường Nguyễn Xiển, trên ảnh rất sạch đẹp nhưng khi đến nơi mình thấy, phòng cho thuê rất bẩn, rác vứt đầy hành lang không dọn dẹp. Có căn 2 phòng ngủ chỉ chia nhau bởi 1 vách nhựa, vệ sinh khép kín, ngoài ra không có nội thất hay đồ dùng gì nhưng giá cũng đã 7,5 triệu đến 8 triệu/tháng”.

Toàn cho biết thêm đa phần các phòng cho thuê bây giờ đều vệ sinh chung và không sạch sẽ. Bên cạnh đó, thuê chung nên cũng có nhiều khả năng mất trộm đồ.

Do nhu cầu thuê phòng trọ đi học, đi làm ở phân khúc trung bình luôn cao, trong khi giá “phù hợp” với sinh viên và người lao động thì lại ít, vì thế nhiều nơi, có tình trạng chủ nhà không cho người thuê ký hợp đồng dài hạn để dễ tăng giá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...