Giá gạo châu Á bắt đầu hạ nhiệt
Giá gạo xuất khẩu từ một số trung tâm thương mại gạo châu Á hạ nhiệt trong tuần này, sau đợt tăng mạnh do các biện pháp hạn chế gần đây của Ấn Độ. Việc giá tăng cao trong thời gian qua đã khiến các khách hàng phải trì hoãn những giao dịch mới.
B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết: “Các khách hàng châu Phi đang tìm kiếm giá thấp hơn và hoãn mua hàng”. Tháng trước, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Tuy nhiên, không có hạn chế đối với xuất khẩu gạo đồ non-basmati.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này cũng giảm xuống còn 615-620 USD/tấn so với mức 650-655 USD của tuần trước, do sắp bước vào vụ thu hoạch mới. Một số nguồn tin địa phương cho biết có người tìm mua gạo, nhưng không ai bán, mặc dù nhu cầu bổ sung có thể dẫn tới những thỏa thuận liên chính phủ.
Trái với gạo Ấn Độ và Thái Lan, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này tiếp tục tăng lên 660 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2008, so với 620-630 USD vào tuần trước, do nguồn cung thấp. Tuy nhiên, nhu cầu lúc này thấp, giao dịch trầm lắng vì giá quá cao.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy 250.430 tấn gạo sẽ được bốc xếp tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 8, trong đó phần lớn đến Philippines, Malaysia, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở các thị trường nhập khẩu gạo lớn, Giá lúa gạo tại Philippines tiếp tục tăng, theo đó gạo Việt Nam nhập khẩu đang được bán với giá 2.500 peso/bao 50 kg hoặc 50 peso/kg, trong khi gạo nhập khẩu của Thái Lan đang được bán tại với giá 2.600 peso/bao 50 kg hoặc 52 peso/kg, có nơi giá lên tới 56 peso/kg.
Giá lúa tươi nội địa bán tại ruộng ở mức 25 Peso/kg và giá lúa khô và sạch tại là 30 Peso/kg.
Ở những mức giá này, chi phí sản xuất gạo sẽ tương đương 2,146 peso/bao 50 kg hoặc 42,93 peso/kg.
Đó là lý do tại sao các nhà nhập khẩu gạo chỉ có đơn đặt hàng cho đến tháng 10, vì họ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với gạo sản xuất trong nước rẻ hơn so với gạo nhập khẩu.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp nước này cho biết, phần lớn vụ thu hoạch lúa của đất nước sẽ diễn ra vào tháng 10 và khi đó giá lúa tươi tại trang trại dự kiến sẽ giảm xuống còn 23 peso/kg và giá lúa khô và sạch sẽ còn 28 peso/kg.
Tại Bangladesh, giá gạo cũng tiếp tục tăng mặc dù sản lượng và dự trữ trong nước ở mức cao. Bộ trưởng Lương thực nước này, Sadhan Chandra Majumder cho biết khoảng 2,1 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là gạo, được lưu trữ tại các kho của nhà nước và chính phủ đã mở rộng bán gạo được trợ cấp trong tháng này để giúp đỡ những người nghèo bị ảnh hưởng bởi chi phí lương thực tăng cao.
Mặc dù hiện tượng thời tiết El Nino đang làm biến đổi thời tiết ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa nguồn cung gạo trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, nơi vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), công bố hôm 15/8, cơ quan này dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023/24 đạt mức kỷ lục 520,9 triệu tấn (quy xay xát), tăng 173.000 tấn so với dự báo tháng 7/2023 và tăng 8,1% so với sản lượng năm trước.
Bản đồ dự đoán biến động sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023/24: Tăng ở nhiều nước.
Tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2023/24 dự đoán ở mức kỷ lục 523,0 triệu tấn, giảm gần 1,0 triệu tấn so với dự báo cách đây một tháng, nhưng cao hơn gần 1,5 triệu tấn so với tiêu thụ năm trước, vượt 2,0 triệu tấn so với sản lượng.
USDA dự đoán lượng gạo nhập khẩu năm 2023/24 của Thái Lan sẽ giảm gần 1,1 triệu tấn xuống 2,4 triệu và lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam dự kiến giảm 0,9 triệu tấn xuống 1,55 triệu tấn. Ngược lại, lượng gạo nhập khẩu niên vụ 2023/24 của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 2,0 triệu tấn lên 36,0 triệu tấn.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 52,9 triệu tấn (quy xay xát), giảm 3,44 triệu tấn so với dự báo tháng Bảy. Dự đoán về thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm gần 2,0 triệu tấn so với dự báo tháng 7. Trong cả năm nay và năm tới, dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu đều giảm mạnh do lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati và gạo không đồ của Ấn Độ từ ngày 20/7 nhằm đảm bảo nguồn cung gạo non-basmati trong nước và ngăn giá nội địa tăng cao. Vào đầu tháng 9 năm 2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với thóc, gạo lứt và gạo trắng xay xát thông thường (non- basmati và không đồ).
Tham khảo: Reuters, USDA
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống thị trường