Đẩy mạnh đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn
Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", những năm gần đây, nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được các Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực triển khai, từng bước củng cố niềm tin và tự hào về sản phẩm "Made in Vietnam".
Thực tế, khu vực nông thôn có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn, song hệ thống phân phối hiện đại chưa phát triển mạnh, việc tiếp cận với hàng Việt chất lượng cao còn hạn chế. Vì vậy, các chuyến hàng Việt về nông thôn dịp Tết giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận với nhiều mặt hàng tiêu dùng, gia dụng, điện tử, may mặc… thương hiệu Việt.
Việc đưa hàng Tết về khu vực nông thôn góp phần giúp người dân khu vực xa trung tâm có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp |
Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu... Đó chính là những ưu điểm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng ở nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: "Bây giờ hàng Việt có chất lượng rất tốt, giá cả hợp túi tiền nên dễ mua. Ở nông thôn, không có nhiều kênh mua hàng, người dân cũng không biết phân biệt hàng thật, hàng giả. Vì thế, các chương trình đưa hàng Việt về, có xuất xứ rõ ràng, chúng tôi rất yên tâm".
Với nhiều doanh nghiệp, lý do chính tham gia bán hàng tại nông thôn không phải vì doanh số mà điều quan trọng là nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn.
Còn với người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Hiện nay hàng Việt đã chiếm hơn 80% số lượng sản phẩm được bày bán tại chợ ở nông thôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...
Tại các phiên chợ và hội chợ Việt, doanh nghiệp bán lẻ sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân |
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, tại các phiên chợ và hội chợ Việt, doanh nghiệp bán lẻ sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân. Để bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong những ngày cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, các đơn vị đã không ngừng phát triển hệ thống phân phối; Cung ứng hàng nghìn điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội, bao gồm các hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa...
Bên cạnh đó, có hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn. Thông thường, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bắt đầu tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Điều đáng nói là tại những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi" và hội chợ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", 100% mặt hàng được bày bán là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá...
Để tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, bên cạnh các chuyến hàng lưu động, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Đồng thời, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng, giá cả, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp để ngăn chặn kịp thời hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được xem là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, đóng góp tích cực vào thành công của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Những phiên chợ hàng Việt nói riêng và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nói chung, còn kết nối, tạo ra động lực cho lưu thông và phát triển chuỗi tiêu dùng trong nước, góp phần tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.