Chợ An Đông - 'thủ phủ' thời trang tại TP. Hồ Chí Minh vắng khách dịp cuối năm
Chợ An Đông - “thủ phủ thời trang” của TP. Hồ Chí Minh đang mất dần sức hút, trở nên vắng khách ngay trong mùa mua sắm cuối năm.
Chợ ngày càng vắng khách
Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông), từng được coi là biểu tượng của sự sầm uất tại TP. Hồ Chí Minh, đang dần mất đi sức hút vốn có. Với lịch sử hoạt động lâu đời và vị trí chiến lược tại quận 5, chợ là điểm đến không chỉ của người dân địa phương mà còn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách ghé chợ giảm rõ rệt, kéo theo doanh thu của các tiểu thương lao dốc.
Chợ An Đông được mệnh danh là “thủ phủ thời trang” của TP. Hồ Chí Minh |
Chợ An Đông có hơn 2.000 gian hàng, chuyên cung cấp sỉ, lẻ các mặt hàng như quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang và hàng tiêu dùng. Trước đây, không khí mua sắm tại chợ luôn nhộn nhịp, khách đến chợ đông đúc từ sáng sớm đến tận chiều muộn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương ngày 12/12/2024, các tiểu thương ngành hàng quần áo thời trang bày hàng ngập lối đi nhưng lượng khách tham quan và mua sắm thưa thớt, nhiều gian hàng trống không, các tiểu thương thường xuyên trong tình trạng ngồi chờ khách.
Tuy hàng hóa phong phú nhưng khách đến chợ mua sắm khá thưa thớt |
Chị Văn Thị Hằng, một tiểu thương đã kinh doanh quần áo tại chợ An Đông hơn 10 năm cho biết, khách hàng bắt đầu giảm từ vài năm trước, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19. “Trước đây, khách hàng của tôi chủ yếu là các mối buôn từ các tỉnh lân cận. Nhưng bây giờ họ không đến nữa vì có thể mua hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp qua mạng. Những khách lẻ thì lại chọn mua trên các sàn thương mại điện tử vì tiện lợi và giá cả cạnh tranh hơn.”
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thỏa có sạp quần áo tại chợ cũng than thở vì buôn bán khó khăn, ế ẩm. Theo bà Thỏa, vào thời "hoàng kim", sạp mặt tiền như này phải thuê thêm 4 - 5 nhân viên nhưng vẫn làm không hết việc, chẳng kịp ăn trưa. Thế nhưng thời gian gần đây, nhân viên sạp nào cũng ngồi bấm điện thoại, buôn chuyện hết ngày.
Quầy hàng vắng khách, nhiều tiểu thương ngồi xem điện thoại |
Theo ghi nhận, hiện chợ An Đông có nhiều quầy hàng đóng cửa nghỉ bán hoặc treo bảng cho thuê, sang sạp kèm số điện thoại để khách tiện liên hệ. Tiểu thương cho biết, hoạt động buôn bán tại chợ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ nhiều phía: Siêu thị, cửa hàng truyền thống, các nền tảng thương mại điện tử và gần đây là sự tràn lan của hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.
Nhiều quầy hàng đóng cửa nghỉ bán hoặc treo bảng cho thuê, sang nhượng |
Sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay mạng xã hội như Facebook và TikTok đã thay đổi hoàn toàn cách thức mua sắm truyền thống. Người tiêu dùng hiện nay không cần phải đến tận nơi để xem hàng hay thương lượng giá cả. Chỉ cần một vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể chọn lựa và đặt hàng ngay tại nhà. Điều này khiến chợ truyền thống như An Đông không còn giữ được lợi thế về sự đa dạng hàng hóa và giá cả hấp dẫn như trước.
Xu hướng chuyển đổi sang bán hàng online
Để thích nghi với sự thay đổi, nhiều tiểu thương tại chợ An Đông đã chọn cách kết hợp bán hàng tại chợ với việc chuyển sang các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, Shopee, Youtube...
"Tôi bắt đầu livestream bán hàng trên Facebook từ năm ngoái. Mỗi tuần chỉ cần livestream vài buổi là có thể bán được lượng hàng ngang bằng cả tuần ngồi chợ", chị Trần Thị Thùy, một tiểu thương chia sẻ.
Một buổi livestream bán hàng của tiểu thương trên kênh Youtube Sài Gòn Ngày Nay. Ảnh chụp màn hình |
Không chỉ giúp giảm chi phí thuê mặt bằng, việc bán hàng online còn mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng trên phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chuyển đổi. Nhiều tiểu thương lớn tuổi gặp khó khăn trong việc làm quen với công nghệ, hoặc không đủ vốn để đầu tư vào quảng cáo trực tuyến.
“Những người trẻ như tôi thì còn học được, nhưng nhiều cô chú lớn tuổi trong chợ không biết sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính, nên rất khó để họ chuyển đổi”, chị Thùy cho biết thêm.
Trong bối cảnh lượng khách giảm sút, một số tiểu thương vẫn cố bám trụ tại chợ, hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, người bán hàng phải thay đổi phương thức bán hàng bằng nhiều phương tiện online là xu hướng tất yếu, nếu vẫn mãi kinh doanh truyền thống, việc vực dậy hoạt động kinh doanh tại đây là điều không dễ dàng.
Chợ An Đông không chỉ là một trung tâm mua sắm mà còn là một phần di sản văn hóa của TP. Hồ Chí Minh. Việc giữ gìn và phát triển chợ không chỉ giúp bảo vệ sinh kế của hàng ngàn tiểu thương mà còn duy trì bản sắc độc đáo của thành phố. Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng, sự thích nghi và đổi mới chính là chìa khóa để chợ An Đông vượt qua khó khăn, tìm lại vị thế vốn có và tiếp tục là điểm đến quen thuộc của người dân cũng như du khách.
Để chợ An Đông và các chợ truyền thống khác có thể tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ số, cần có những giải pháp đồng bộ. Việc đầu tiên là cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường mua sắm sạch sẽ, thoáng mát và thuận tiện hơn. Đồng thời, các tiểu thương cần được hỗ trợ để tiếp cận công nghệ, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến và tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.