Bước đột phá của thị trường hàng hóa phái sinh
Không gian đa sắc màu, tựa như con phố La Boca, trung tâm văn hoá của thủ đô Buenos Aires (Argentina) với những nhịp tango rộn ràng, quán trà Matéa bừng sáng với trên con đường Tô Ngọc Vân (Hà Nội) thưa vắng người qua lại vào chiều cuối đông.
Số lượng thành viên tăng mạnh
Tính đến cuối năm 2021, số lượng thành viên của MXV tăng 50% so với năm ngoái với 32 thành viên kinh doanh và 4 thành viên môi giới. Các văn phòng, chi nhánh phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đã giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư phổ biến trong danh mục của các nhà đầu tư trong nước.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam |
Các thành viên vừa là đối tác, vừa là những “cánh tay nối dài” giúp MXV tổ chức thị trường, nên công tác quản lý thành viên là một trong những công tác trọng tâm của MXV trong năm vừa qua. Một loạt các quy chế, quy trình, quy định mới đã được ban hành và phổ biến tới các thành viên thông qua các buổi tập huấn trên quy mô toàn quốc. Đáng chú ý, các yêu cầu cao hơn trong việc xét duyệt tư cách thành viên và Bộ quy định xử lý vi phạm thành viên. Với tôn chỉ minh bạch - chuyên nghiệp - hiệu quả, MXV và các thành viên vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân theo các quy định chung và đặc biệt là quy định về quản lý rủi ro của các sở giao dịch quốc tế liên thông.
Dòng tiền đầu tư tấp nập đổ vào thị trường hàng hóa
Trong năm 2021, “siêu chu kỳ hàng hóa” có lẽ là cụm từ nổi bật nhất trên các phương tiện truyền thông, khi giá của các loại hàng hóa nguyên liệu đều tăng chóng mặt trong nhiều tháng liên tiếp và lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giao dịch hàng hóa đã nổi lên như một kênh đầu tư chính thống và đầy tiềm năng.
Theo số liệu từ Trung tâm Thanh toán bù trừ MXV, giá trị giao dịch toàn Sở trong năm 2021 đạt trung bình gần 3.500 tỷ đồng mỗi phiên, tăng trưởng hơn 50% so với năm trước. Số lượng tài khoản mở mới trong năm qua đạt gần 7.000 tài khoản, nâng số tài khoản giao dịch hàng hóa tại thị trường Việt Nam lên gần mốc 20.000 tài khoản.
Hoạt động giao dịch hàng hóa được liên thông với thị trường thế giới thông qua phần mềm chuyên nghiệp, hiện đại nên hầu như không gặp gián đoạn trong năm qua. Các lệnh giao dịch đảm bảo sự thông suốt, không bị tắc nghẽn trong toàn bộ thời gian giao dịch 24 tiếng mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Theo MXV, với sự chủ động về công nghệ, hệ thống M-System có thể đáp ứng được khối lượng giao dịch cao gấp hàng chục lần so với hiện nay.
Liên tục bổ sung sản phẩm mới, bắt kịp xu thế của thế giới
Từ tháng 7/2021, sau một thời gian dài thương thảo và chuẩn bị kỹ lưỡng, MXV đã liên thông giao dịch thành công với Sở giao dịch Kim loại London (LME), nơi niêm yết giao dịch các mặt hàng kim loại lớn nhất trên thế giới. Như vậy, MXV hiện đã liên thông với hầu hết các Sở giao dịch lớn nhất toàn cầu bao gồm: Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch hàng hóa Liên lục địa (The ICE), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE), Sở Giao dịch Bursa Malaysia (BMD), và sở LME.
Điều này vừa giúp tính thanh khoản của giao dịch hàng hóa vượt trội so với các kênh đầu tư khác, vừa giúp MXV có thể mở rộng thêm nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, MXV đang giao dịch 31 mặt hàng dưới dạng hợp đồng tương lai (futures) chia thành 4 nhóm bao gồm: Nông sản, năng lượng, nguyên liệu công nghiệp và kim loại. Bên cạnh đó, giao dịch hợp đồng chênh lệch giá (spread) cũng đã chính thức được vận hành trong năm 2021, mang đến một làn gió mới cho thị trường.
Cuối tháng 11 vừa qua, MXV cũng đưa vào giao dịch các sản phẩm mới của nhóm năng lượng gồm dầu thô WTI micro, dầu Brent và khí tự nhiên dưới dạng hợp đồng mini. Theo Khối Quản lý giao dịch của MXV, các mặt hàng này đều nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bởi thị trường có tính thanh khoản cao và mức ký quỹ rất hợp lý. Trong đó, hợp đồng dầu WTI micro mới được CME Group đưa vào giao dịch từ tháng 7/2021, nhưng chỉ sau 4 tháng đã có mặt tại thị trường Việt Nam.
Đào tạo thị trường và quản lý rủi ro: Nền móng của thành công
Đề ra mục tiêu kép, vừa phát triển thị trường giao dịch nhanh và đột phá, nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và bền vững, MXV đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo thị trường, mà trong đó trọng tâm là các nghiệp vụ quản lý rủi ro.
Năm 2021, MXV đã tổ chức 9 khóa đào tạo dành cho các nhà môi giới và nhà đầu tư; cấp chứng nhận cho gần 400 học viên. Mỗi khóa đào tạo diễn ra trong vòng 2 tuần, với quá trình sát hạch kỹ lưỡng của Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV sẽ giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, là nền móng cho sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đào tạo, nghiệp vụ quản lý rủi ro cũng đã chứng minh được tầm quan trọng, đặc biệt khi giá hàng hóa thế giới biến động mạnh như năm vừa qua. Chỉ số MXV-Index, chỉ số thể hiện sự biến động của giá hàng hóa thế giới, đã tăng hơn 50% trong năm 2021, và có những phiên giao dịch tăng đột biến từ 5 – 7%. Trong bối cảnh này, Khối Quản lý rủi ro MXV đã phải hoạt động liên tục 24/7, để đảm bảo thị trường vận hành ổn định, giảm thiểu rủi ro tối đa cho các thành viên, các nhà đầu tư trên thị trường.
Chuyển đổi số và mục tiêu lớn trong năm 2022
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc liên thông với thị trường thế giới đã đặt ra bài toán cấp thiết cho MXV trong năm 2021: Chuyển đổi số thật nhanh, ổn định và hiệu quả. MXV đã tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao dịch M-System, hệ thống dữ liệu MXV-Data. Các thành viên cũng thực hiện việc mở tài khoản thông qua hình thức eKYC để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao hơn của thị trường. Thực hiện tốt chuyển đổi số đã giúp MXV giảm tải áp lực nhân sự trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, giúp thị trường luôn được vận hành thông suốt, ổn định trong năm qua.
Hiện nay, MXV đang làm việc và phối hợp rất tích cực với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia để xây dựng và đưa vào triển khai các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn đối với các sản phẩm điện. Các hợp đồng này có thể dễ dàng mua đi bán lại trên thị trường tập trung, trong đó MXV đóng vai trò là đối tác thanh toán trung tâm. Điều này sẽ giúp các đơn vị tham gia thị trường không mất thời gian và chi phí tìm đối tác cũng như đàm phán hợp đồng. Đồng thời, cũng góp phần giảm thiểu tối đa phát sinh chi phí bán điện đến khách hàng sử dụng điện trong tất cả các phương án quản lý rủi ro. MXV khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để góp sức cho sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, là bước chuyển mình tất yếu trên đà hội thập và phát triển với thế giới.
Với lịch sử hơn 12 năm hình thành và phát triển, MXV đã và đang là đầu tàu của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Trong buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu vào ngày 3/12/2021, MXV khẳng định sẽ nỗ lực nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam và đặt mục tiêu trở thành Sở giao dịch hàng hóa lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á trong tương lai gần.