• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Giá vàng lập đỉnh, nghe thì oai nhưng thực tế lãi có vài %, không ăn bằng T3 chứng khoán"

Mức lãi không "khủng" như nhiều người vẫn tưởng khi nghe đến việc vàng tăng cao kỷ lục. "Lãi từ vàng của tôi không bõ bèn gì với mua cổ phiếu sau 1 tuần có lãi 20%", anh Hải tâm sự. Thậm chí khi mua cổ phiếu bị lỗ, anh Hải cũng có tâm lý "sẽ gỡ lại được nhanh thôi".

Chị Thương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị mua 2 cây vàng cách đây hơn nửa tháng với giá 62 triệu đồng/lượng. Những ngày qua, giá vàng liên tục lập đỉnh, cao nhất lên đến 67,5 triệu đồng/lượng, chị cũng thấy vui vì mới chỉ mua thời gian ngắn đã có lãi, nhưng thực tế mức lãi không "khủng" như nhiều người vẫn tưởng khi nghe đến việc vàng tăng cao kỷ lục.

"Tôi mua vàng với giá 62 triệu đồng/lượng. Những ngày qua giá vàng tăng lên hơn 66-67 triệu nhưng đó là giá bán ra của các nhà vàng. Nếu tôi mang vàng đi bán thì cũng chỉ được 64-65 triệu đồng/lượng, tức chỉ lãi hơn khoảng 2-3 triệu mỗi lượng, 3-5% mà thôi", chị Thương nói. 

May mắn hơn chị Thương, anh Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) mua được vàng với giá thấp hơn vào thời điểm cuối tháng 11 năm 2021 với giá 59,7 triệu đồng/lượng. Như vậy, đến nay, sau 3 tháng, anh có lãi khoảng 5 triệu đồng/lượng, tương đương 8,3%. Anh Hải cho rằng, mức lãi như vậy không lớn, nhưng có vàng cảm thấy an tâm hơn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, đầu tư chứng khoán cũng không còn dễ "ăn" như năm ngoái. 

Mặc dù giá vàng tăng nhưng thực tế quan sát cho thấy người dân dường như không mấy quan tâm, thị trường vàng vẫn trầm lắng trong những ngày qua, lượng giao dịch không có đột biến. 

Ngay trong ngày 24/2 giá vàng lập đỉnh lịch sử, tăng nóng cả triệu đồng từng phút, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng…vẫn rất vắng vẻ, lượng khách đến mua bán rất ít ỏi, đặc biệt ít khách hàng mua, một số khách đến bán chốt lời. 

Vàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt người Việt, đặc biệt là giới trẻ trong những năm gần đây khi sức hút từ đầu tư chứng khoán lớn hơn. Như trường hợp của anh Hải, mặc dù có lãi 8% từ vàng trong 3 tháng cũng không cảm thấy vui bằng việc mua cổ phiếu sau 1 tuần có lãi 20%. Thậm chí khi mua cổ phiếu bị lỗ, anh Hải cũng có tâm lý "sẽ gỡ lại được nhanh thôi". Bởi vậy, anh Hải chỉ phân bổ số tiền nhỏ cho vàng, phần lớn đầu tư chứng khoán. Anh cho rằng, đã mua vàng thì xác định giữ trong dài hạn như một dạng tích trữ, còn lướt sóng thì khó có được lãi cao. 

Điểm nữa khiến vàng tăng nhưng không "hot" là bởi mỗi lần giá vàng biến động mạnh, các nhà vàng trong nước thường nới rộng chênh lệch mua bán, đẩy rủi ro cho người mua vàng. Trong ngày 24/2 khi vàng lập kỷ lục, chênh lệch giá mua vào – bán ra lên tới 2-2,5 triệu đồng/lượng. Hiện chênh lệch này đã được rút ngắn về còn khoảng 800 nghìn – 1 triệu đồng/lượng. 

Giá vàng đang có xu hướng đi ngang trong vài ngày gần đây. Sáng 1/3/2022, giá vàng SJC trong nước phổ biến ở mức 65,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 66 triệu đồng/lượng chiều bán. 

Giá vàng thế giới cũng đang đi ngang quanh mốc 1.900 USD/ounce dù thế giới có nhiều biến động. Giới phân tích chia làm 2 luồng ý kiến về dự báo giá vàng. Nhiều chuyên gia tin rằng, vàng sẽ thể hiện vai trò hầm trú ẩn an toàn như trong lịch sử, kim loại quý này còn tăng giá mạnh hơn và lên mức cao nhất mọi thời đại trong môi trường quá nhiều bất ổn về địa chính trị như hiện nay. 

Nhưng một số khác lại cho rằng, vàng không còn giống như trước đây và đang có phản ứng khác lạ trong 2 năm đại dịch vừa qua. Bất chấp lạm phát và rủi ro dịch bệnh, vàng không tăng giá như nhiều người đã kỳ vọng. Hơn nữa, lãi suất lại đang có xu hướng tăng lên trên toàn cầu, và vàng đang dần mất đi sức hấp dẫn.  


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...