TPBank: Lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 đạt hơn 1.700 tỷ, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp gần 5 lần cùng kỳ
Thu nhập lãi thuần của ngân hàng sụt giảm do trả lãi tiền gửi khách hàng tăng mạnh. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh phi tín dụng như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối có tăng trưởng khả quan.
Thu nhập lãi thuần của TPBank trong quý 1 năm nay sụt giảm 3,34% so với cùng kỳ, ở mức 2.737 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, nguyên nhân là do chi phí lãi, đặc biệt là trả lãi tiền gửi cho khách hàng tăng mạnh, trong khi thu nhập từ lãi cho vay tăng với mức độ ít hơn.
Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng có kết quả khả quan, đơn cử như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 36%, đạt 695 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 370% lên 151 tỷ, theo giải thích của TPBank thì do ngân hàng đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của TPBank đạt 3.660 tỷ, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 27,6% lên 1.579 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) giảm 12,5%, ghi nhận ở mức 2.079 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 1/2023 của TPBank giảm 58% so với cùng kỳ xuống còn 315 tỷ. TPBank cho biết ngân hàng đã kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng từ khách hàng nên chi phí này được giảm xuống, từ đó gia tăng được lợi nhuận cho ngân hàng.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản TPBank đạt 343.522 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3% lên 172.753 tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 3,1%, đạt 200.998 tỷ.
Nợ xấu của TPBank tăng 84% trong 3 tháng lên 2.496 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 212% lên 1.199 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 64% lên 764 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 6% lên 533 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng cuối tháng 3 ở mức 1,45%, tăng so với mức 0,84% hồi đầu năm.
Minh Vy
Nhịp sống thị trường