• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền gửi ngân hàng suy giảm và nỗi lo huy động 9 đồng thì phải cho vay 10 đồng

Trong khi tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh ngay từ những tháng đầu năm thì huy động vốn lại tăng chậm hơn, thậm chí suy giảm trong tháng đầu năm nay.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Trong tháng 1, tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng thêm 123.000 tỷ đồng (tăng 1,74% so với cuối năm 2024). Tuy nhiên, tiền gửi tổ chức kinh tế giảm mạnh tới 233.000 tỷ đồng so với cuối 2024 (giảm 3,04%) đã khiến tổng huy động vốn của ngân hàng sụt giảm.

Tiền gửi ngân hàng sụt giảm trong tháng đầu năm nay

Tiền gửi ngân hàng sụt giảm trong tháng đầu năm nay

Việc tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sụt giảm vào tháng đầu năm được cho là do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm cận Tết, nhu cầu rút tiền của người dân, doanh nghiệp tăng để chi trả cho việc mua sắm, chi trả lương thưởng…

Dù sụt giảm, song so với cùng kỳ năm ngoái, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng gần 760.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi dân cư cũng tăng thêm 690.000 tỷ đồng.

Dù vậy, tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ tài chính), tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, thời điểm này, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.

Cập nhật tại một số ngân hàng cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao. Đơn cử như MSB, tính đến cuối quý I/2025, tăng trưởng tín dụng ngân hàng này đã đạt 8,92%, tương đương dư nợ cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng chậm hơn, đạt 5,8% đến hết quý I, tương đương 163.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 của MSB là mức 20%. Trong năm ngoái, nhà băng này đạt mức tăng trưởng 18,25%, do đó, lãnh đạo MSB cho rằng con số 20% của năm nay rất khả thi.

Tương tự, tại SHB, tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, cũng tăng khá mạnh 7% so với cuối năm ngoái.

“Ông lớn” VietinBank cũng cho biết đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%.

Tăng trưởng tín dụng mạnh hơn huy động khiến ngân hàng đứng trước áp lực thanh khoản. Đặc biệt trong bối cảnh lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo các nhà băng phải giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp thì tăng trưởng huy động càng khó hơn.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% là nhiệm vụ nặng nề với ngành ngân hàng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Tức huy động được 9 đồng nhưng ngành ngân hàng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù vậy, NHNN cho biết sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng. Năm nay, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ cho tín dụng tiêu dùng.


Nguồn:https://www.anninhthudo.vn/tien-gui-ngan-hang-suy-giam-va-noi-lo-huy-dong-9-dong-thi-phai-cho-vay-10-dong-post609781.antd Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...