Nỗi ám ảnh của người mua bất động sản: Lãi suất thả nổi!
Tín hiệu lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm, song thực tế, lãi suất cho vay mua bất động sản vẫn neo ở mức cao. Đặc biệt, sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất thả nổi cho vay mua bất động sản có thể lên tới hơn 15%/năm.
Đơn cử như vào hồi tháng 10/2022, mức lãi suất huy động của Ngân hàng VPBank lên tới 10,2%-11,2% tuỳ vào kỳ hạn và số tiền gửi. Thì đến hiện tại, mức lãi suất dao động trên 7%. Tương tự, một số Ngân hàng khác như TPBank, MBBank, Techcombank, Vietcombank… cũng ghi nhận mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm.
Sau lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm nhiệt mạnh, một số ngân hàng bắt đầu tung ra gói vay bất động sản ưu đãi. Tại Ngân hàng Vietcombank, mức lãi suất cho vay ưu đãi mua bất động sản năm đầu tiên dao động khoảng hơn 9%. Tại Ngân hàng Agribank, lãi suất năm đầu tiên là 8%. Ngân hàng Wooribank mới đây cũng giảm lãi suất cho vay ưu đãi mua bất động sản còn 8,5%. Ngân hàng VIB tung mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên lên tới 9,9%. Đối với gói vay 24 tháng, ngân hàng này có gói vay 10,9%.
Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, hay lãi suất cho vay ưu đãi mua bất động sản giảm song với người mua nhà, hay nhà đầu tư bất động sản, nỗi ám ảnh nhất chính là lãi suất thả nổi.
Chị Mạnh Phạm, nhà đầu tư đến từ Bình Dương cho biết, hiện mỗi tháng, chị phải trả trung bình khoảng 20 triệu tiền lãi. Cứ trung bình 6 tháng, chị phải trả tiền gốc một lần. Mức lãi suất thả nổi hiện tại sau năm đầu tiên vay ưu đãi của chị hiện lên tới 15,2%/năm.
Theo anh Nguyễn Hưng, môi giới ở Hà Nội, mức lãi suất thả nổi mới là nỗi ám ảnh của người vay ngân hàng mua bất động sản. Hiện tại, anh Hưng đang phải trả 25 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi cho khoản vay 1 tỷ đồng với mức lãi suất thả nổi đang ở ngưỡng gần 15%/năm.
“Các ngân hàng đều quy định mức lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cộng với biên độ trung bình từ 3,5-4%/năm. Có nhà băng lựa chọn là trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm của 4 ngân hàng quốc dân. Nhưng có nhà băng lựa chọn lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng hoặc 13 tháng hay 18 tháng. Điều này đã đẩy mức lãi suất cho vay mua bất động sản tăng cao.
Nên thực tế, dù lãi suất huy động liên tục giảm nhưng người mua nhà, nhà đầu tư vẫn phải “gồng” nợ lãi cao sau thời gian hết ưu đãi. Mức lãi trung bình dao động từ 13-15,5%/năm. Đó không phải là mức lãi suất rẻ”, anh Hưng nhấn mạnh.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, việc lãi suất điều hành giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay còn neo cao làm người mua nhà có nhu cầu ở thật cũng chùng tay, lo bẫy lãi suất thả nổi. Đây cũng là lý do khiến thanh khoản của thị trường chưa phục hồi sớm trở lại.
Theo ông Nguyễn Anh Quê - CEO G6 Group cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Để kích thích phục hồi, lãi suất cần giảm sâu hơn nữa.
Ông Quê cũng chia sẻ, khi tiếp cận các ngân hàng, nhóm ngân hàng Nhà nước lãi suất thấp hơn, nhưng cũng chỉ thấp hơn trong giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau vẫn thả nổi.
Đặc biệt, với các ngân hàng thương mại thì lãi suất cao luôn từ đầu. Lãi suất cho vay trung bình hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản xây dựng có uy tín, có quan hệ sẽ khoảng 11%. Các cá nhân, tổ chức mà không có mối quan hệ thân thiết đang phải vay với lãi suất trên dưới 12%.
Vị này cho rằng, muốn thị trường địa ốc hồi phục trở lại, lãi suất giai đoạn đầu thời kỳ vay cần giảm về khoảng 7,7 - 8,5% và giai đoạn sau biên độ tầm 9-10,5%.
Theo ông Quê, nền kinh tế đang khó khăn với giá nhân công cao, vật liệu cao, nguồn khách ít, tiêu dùng giảm mà lãi suất cao thì nhiều doanh nghiệp chấp nhận không vay. Tuy nhiên thực tế, một số doanh nghiệp chấp nhận vay nhưng cũng không tiếp cận được nguồn vay.
Nhật Linh
Nhịp sống thị trường