• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng tuần qua: NHNN bơm thanh khoản, lãi suất huy động giảm trên diện rộng

Tuần qua ghi nhận các thông tin đáng chú ý liên quan đến hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

 

Ngân hàng tuần qua: NHNN bơm thanh khoản, lãi suất huy động giảm trên diện rộng

NHNN giảm giá mua USD

Tuần qua chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường ngoại tệ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 50 đồng giá mua vào USD tại Sở Giao dịch từ 23.450 đồng/USD xuống còn 23.400 đồng/USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022, NHNN thay đổi giá chào mua USD tại Sở Giao dịch. Lần gần nhất Nhà điều hành điều chỉnh tỷ giá này diễn ra vào ngày 15/12/2022 khi giá mua USD được niêm yết trở lại sau 3 tháng bỏ trống, đồng thời được tăng lên mức 23.450 đồng/USD từ mức 22.550 đồng/USD áp dụng hồi tháng 9/2022.

NHNN giảm giá chào mua USD sau khi tỷ giá USD liên ngân hàng giảm sâu dưới giá chào mua trước đó 23.450 đồng/USD (tức các ngân hàng bán USD cho nhau với giá thấp hơn giá bán cho NHNN).

Việc hạ giá mua USD mới đây có thể khiến NHNN mua được ít ngoại tệ hơn, đồng nghĩa lượng tiền Đồng bơm đối ứng vào hệ thống sẽ có xu hướng giảm đi. Tuy nhiên, điều này cần đặt trong bối cảnh là một lượng lớn tín phiếu 91 ngày (110.700 tỷ đồng) bắt đầu đáo hạn từ tuần qua và sẽ kéo dài đến đầu tháng 6. Số tiền này sẽ góp phần duy trì thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào dù NHNN có thể giảm bơm VND qua kênh mua ngoại tệ.

Hơn nữa, việc giảm giá mua USD cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho sức mạnh tiền Đồng, giảm áp lực lên tỷ giá.

NHNN bơm trả hệ thống 20.000 tỷ đầu tiên trong “gói” 110.700 tỷ tín phiếu

Trong tuần qua, 20.000 tỷ đầu tiên trong tổng số hơn 110.700 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm trả lại hệ thống ngân hàng, khi các lô tín phiếu kỳ hạn 91 ngày phát hành từ trung tuần tháng 2 lần lượt đáo hạn.

Trước đó, từ ngày 15/2, NHNN đã triển khai việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày để hút bớt thanh khoản hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Sau gần 1 tháng ròng rã hút thanh khoản, lượng tín phiếu 91 ngày lưu hành đến giữa tháng 3 đạt gần 110.700 tỷ đồng. Lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường không thay đổi từ đó đến nay khi NHNN nhất quán với định hướng dừng phát hành tín phiếu mới, hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

Với kỳ hạn khoảng 3 tháng, 110.700 tỷ đồng tín phiếu 91 ngày sẽ bắt đầu đáo hạn từ tuần này và kéo dài đến giữa tháng 6. Qua đó làm dồi dào hơn thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần giảm thêm các loại lãi suất trên thị trường.

Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi

Tuần qua cũng ghi nhận thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động.

Mới nhất, Kienlongbank vừa thay đổi biểu lãi suất huy động và giảm 0,4 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Từ ngày 20/5, ABBank cũng thông báo giảm 0,1 – 0,3 điểm %lãi suất tiết kiệm tại quầy, trong khi hầu như không thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm online.

Hôm 19/5, VPBank áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khác hàng cá nhân, giảm 0,2 điểm % các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cách đây 1 tuần, VPBank cũng đã giảm 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tương tự, NCB cũng vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động, ngân hàng giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Từ đầu tuần, một loạt ngân hàng như HDBank, OceanBank, MSB, Sacombank cũng đã giảm lãi suất với mức điều chỉnh phổ biến là 0,2 điểm %.

Hiện những ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường vẫn là các ngân hàng nhỏ như ABBank, VietABank, GPBank, BaoVietBank, BacABank NamABank,…với lãi suất niêm yết cao nhất từ 8,5%/năm trở lên.

Trong đó, ABBank có lãi suất cao nhất thị trường với 9,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Những ngân hàng còn lại không còn nhà băng nào niêm yết từ 9%/năm. Mức lãi suất cao tiếp theo được ghi nhận là 8,8%/năm tại VietABank, kỳ hạn 12 tháng tiết kiệm trực tuyến.

Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn hiện nay khá đáng kể. Điển hình như tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của một số ngân hàng nhỏ là 8,5-8,8%/năm, trong khi đó những ngân hàng tư nhân lớn chỉ 8,5-7,7%/năm. Thậm chí MB chỉ còn 7,3%/năm và nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) chỉ còn 7,2%/năm.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải vì sao lãi suất cho vay vẫn còn cao

Theo số liệu mới được công bố của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).

Lý giải về việc lãi suất cho vay hiện còn cao, Ngân hàng Nhà nước cho biết hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Sau dịch Covid-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 ngàn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.

Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023 gây áp lực tới lãi suất trong nước. Các NHTW lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao, Fed đã 10 lần tăng lãi suất (hiện lãi suất mục tiêu Fed Fund ở mức 5,0-5,25%/năm; ECB: lãi suất tái cấp vốn là 3,5%/năm, lãi suất tiền gửi là 3,0%/năm).

Không chỉ áp lực từ bên ngoài mà trong áp lực lạm phát trong nước cũng ảnh hưởng tới lãi suất. Hiện lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; trong khi mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%. Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn tức là tổ chức tín dụng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi tổ chức tín dụng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

NHNN cho biết, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, hoặc tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà tổ chức tín dụng và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì tổ chức tín dụng tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận;...

MB chính thức có Tổng giám đốc mới

Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn về việc chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đối với ông Phạm Như Ánh - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành. Theo đó, Hội đồng Quản trị MB đã tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm ông Phạm Như Ánh chức danh Tổng Giám đốc theo quy định của Pháp luật và quy định của MB.

Trước đó, ngày 12/4/2023, Hội đồng Quản trị MB đã giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.

Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh – Viện Quản trị kinh doanh UBI - Bỉ, và là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB, ông Phạm Như Ánh từng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng như Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, đến Thành viên Ban điều hành.

12 mã ngân hàng tăng giá tuần qua

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa trong tuần qua với 12/27 mã tăng giá, 13 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu.

Trong đó, NAB là cổ phiếu tăng tốt nhất ngành với mức +6,2%, đóng cửa tại mức giá 11.800 đồng/cp. Đứng sau NAB, VIB và STB tăng lần lượt là +4,4% và +3,9%. Một số cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn cũng kết tuần trong sắc xanh là VCB, SHB, TCB.

Ở chiều ngược lại, SSB giảm mạnh nhất toàn ngành tuần qua với khi mất 3,4%. Tiếp sau là VPB với mức giảm 2,3%.

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua đạt hơn 767 triệu cp, tăng hơn 40% so với tuần trước đó; giá trị giao dịch tương ứng đạt mức 14.900 tỷ đồng.

Trong đó, SHB tiếp tục đứng đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch với hơn 154 triệu cp, cao hơn gấp rưỡi so với tuần trước đó. Tuy nhiên, STB lại dẫn đầu ngành với mức 2.746 tỷ đồng, bỏ xa mức 1.783 tỷ đồng của SHB.

Quốc Thụy

Nhip sống Thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết