Ngân hàng Thế giới cảnh báo rủi ro lạm phát đình đốn
Trong ngày 7/6, WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 4,1% xuống còn 2,9% trong năm 2022.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong ngày 7/6 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng nhiều quốc gia có thể rơi vào tình trạng trưởng thấp-lạm phát cao (đình lạm - lạm phát đình đốn) giống như đã xảy ra vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
Theo đó, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm 2022, thấp hơn 1,2% so với dự báo 4,1% đưa ra hồi đầu năm, theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của WB.
Tăng trưởng được dự báo sẽ không có biến động lớn so với mốc 2,9% trong hai năm 2023 và 2024, trong bối cảnh lạm phát tăng cao hơn ngưỡng mục tiêu tại nhiều quốc gia.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng tăng giá hàng hóa càng làm trầm trọng hơn những thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu. WB nhận định thế giới đang bước vào “một giai đoạn tăng trưởng yếu và lạm phát cao”.
“Cuộc xung đột Ukraine, phong tỏa tại Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro đình lạm đang tác động tiêu cực lên tăng trưởng. Tại nhiều quốc gia, rủi ro suy thoái là rất lớn”, theo ông David Malpass, Chủ tịch WB.
Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Reuters.
Tăng trưởng tại các quốc gia phát triển được dự báo sẽ giảm xuống 2,6% trong năm 2022 và 2,2% trong năm 2023, theo nội dung báo cáo.
Trong khi đó, tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo giảm còn 3,4% trong năm 2022, thấp hơn bình quân giai đoạn 2011-2019.
Điều đó phản ánh lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên tại cả những nền kinh tế phát triển và đang phát triển, buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
Đình lạm những năm 70
Tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng thấp ở thời điểm hiện tại có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn đình lạm thập niên 70 của thế kỷ trước, buộc nhiều quốc gia phát triển phải tăng mạnh lãi suất và gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Báo cáo tháng 6 của WB cũng đưa ra sự so sánh hệ thống giữa tình hình hiện tại và 50 năm về trước.
Nhiều sự tương đồng rõ nét đang hiện diện giữa quá khứ và hiện tại, trong đó bao gồm tình trạng gián đoạn nguồn cung, triển vọng tăng trưởng thấp và những rủi ro mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt liên quan tới quá trình siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kéo giảm lạm phát, theo nội dung báo cáo.
Tuy nhiên, cũng tồn tại một số khác biệt, ví dụ như sự mạnh lên của đồng USD, giá dầu thấp hơn và tình hình tài chính khả quan tại một số định chế tài chính lớn.
Để ngăn chặn rủi ro viễn cảnh đó lặp lại, WB hối thúc các nhà hoạch định chính sách chung tay kéo giảm giá dầu, thực phẩm và giãn, giảm hoặc xóa nợ đối với các quốc gia đang phát triển.
Theo CNBC