Ngân hàng nắm giữ hơn 154.000 tỷ trái phiếu bất động sản, xây dựng
Thống đốc NHNN cho biết, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản chiếm gần một nửa tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thông tin tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản ngày 14/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống đến cuối tháng 5/2022 đạt 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.
Theo Thống đốc, với vai trò bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường, tổ chức tín dụng thực hiện cấp bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán...
Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Đến 31/5/2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỷ đồng, trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.
Thống đốc cho biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp như mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dung; cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng; nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay.
Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định. Do vậy, có thể nói các tổ chức tín dụng rất hạn chế trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản.
https://cafef.vn/ngan-hang-nam-giu-hon-154000-ty-trai-phieu-bat-dong-san-xay-dung-20220714171440245.chnQuốc Thụy
Theo Nhịp sống kinh tế