Một năm ‘lên thác xuống ghềnh’ của thị trường tài chính toàn cầu: Từ vụ sụp đổ đi vào lịch sử đến ‘cú twist’ khiến Phố Wall bật ngửa
Năm 2023 tiếp tục là một năm đầy biến động đối với thị trường toàn cầu.
Sau năm 2022 ảm đạm, chứng khoán đã có cú lộn ngược dòng ngoạn mục, còn trái phiếu đi vào lịch sử với đợt sụt giảm kéo dài 3 năm. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vượt qua mọi dự đoán ảm đạm, tránh được một cuộc suy thoái trong năm nay.
Năm 2023 cũng là năm mà cả thế giới xôn xao về ChatGPT, về khoản lợi nhuận kỷ lục mà các công ty Big Tech gặt hái được trên thị trường chứng khoán. Tiền số cũng quay trở lại trước hy vọng về khả năng xuất hiện quỹ ETF Bitcoin.
Sau đây sẽ là 8 câu chuyện định hình thị trường năm 2023.
1. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI)
Vào tháng 1/2023, ChatGPT đã thu hút hơn 100 triệu người dùng. Công cụ ngôn ngữ thông minh này đã nhanh chóng phổ biến và tạo ra cơn sốt AI ở Phố Wall.
Khi nhắc đến lựa chọn đầu tư hấp dẫn nhất trong năm qua, các cổ phiếu công nghệ như Microsoft và Nvidia là những lựa chọn nổi bật hàng đầu. Nhà sản xuất chip Nvidia của CEO Jensen Huang đã cán mốc 1.000 tỷ USD về giá trị thị trường. Họ sở hữu những con chip đồ họa (GPU) đóng vai trò quan trọng với nền tảng AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI.
Nhưng sự trỗi dậy của AI cũng mang đến những lo ngại tiềm tàng. Người đứng đầu Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) Gary Gensler đã nhiều lần cảnh báo AI có thể khiến thị trường đối mặt với những thách thức khôn lường.
2. SVB phá sản
Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vốn không được nhiều người biết đến. Nhưng ngân hàng Mỹ này bất ngờ trở thành tâm điểm thị trường vào giữa tháng 3, sau khi tiết lộ khoản lỗ hàng tỷ USD trong danh mục trái phiếu.
Tin tức nổ ra khiến giá cổ phiếu của SVB sụt giảm gần 90% trong 2 ngày trước khi ngừng giao dịch. Các khách hàng tên tuổi như quỹ Founders Fund của Peter Thiel cũng nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng này.
Biến cố gây ra tình trạng hỗn loạn đối với lĩnh vực ngân hàng khu vực của Mỹ. Vài tuần sau khi SVB sụp đổ, ngân hàng First Republic Bank cũng nối gót. Đến cuối năm 2023, chỉ số KBW Bank Index (chuyên theo dõi các tổ chức tài chính giao dịch công khai hàng đầu nước Mỹ) đã giảm gần 20% so với lúc trước khi SVB phá sản.
3. Sự sụp đổ của Credit Suisse
Không chỉ những ngân hàng khu vực Mỹ phá sản trong năm 2023, phía bên kia Đại Tây Dương, Credit Suisse cũng sụp đổ ngay trong bối cảnh hỗn loạn do SVB gây ra. Giá cổ phiếu của họ giảm 70% chỉ trong vòng 5 ngày.
Chính phủ Thụy Sĩ đã buộc phải gật đầu cho một thỏa thuận lịch sử trị giá 3 tỷ franc (3,25 tỷ USD) để ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse. Đây được đánh giá là một trong những vụ sụp đổ lớn nhất mà giới ngân hàng toàn cầu từng chứng kiến kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
4. Cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu
Sau khi là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB, trái phiếu tiếp tục gây chú ý vào tháng 10. Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 46% từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 9/2023. Lợi suất lần đầu tiên lên tới 5% sau 16 năm.
Ban đầu, niềm tin của các nhà đầu tư vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2024 để kiểm soát lạm phát đã tạo ra một làn sóng bán tháo. Sau đó, dữ liệu tích cực về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã trở thành cứu cánh cho trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 75 điểm cơ bản so với mức đỉnh giữa tháng 10.
5. Sự hồi sinh của Bitcoin
Vào cuối năm 2022, tiền số đã “chạm đáy nỗi đau” khi FTX của Sam Bankman-Fried sụp đổ chóng vánh. Bitcoin khi ấy giao dịch quanh mức 17.000 USD.
12 tháng sau, Bitcoin đã trở lại ngoạn mục. Giá của đồng tiền số này tăng đáng kinh ngạc 152% từ đầu năm đến nay, khiến nó trở thành một trong những tài sản hoạt động tốt nhất năm 2023.
Nguyên nhân thúc đẩy sự hồi sinh của Bitcoin là những đồn đoán về khả năng xuất hiện một quỹ hoán đổi danh mục (ETF) giao ngay. Quỹ này sẽ cho phép các nhà đầu tư tổ chức lần đầu tiên mua tiền số.
6 Khả năng phục hồi kinh tế của nước Nga
Cuộc xung đột tại Ukraine vẫn là chủ đề nóng trong năm 2023. Nhưng nền kinh tế Nga vẫn vững vàng sau rất nhiều lệnh trừng phạt.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 lên hơn 2%. Song, thặng dư tài khoản vãng lai sụt giảm và đồng rúp mất giá vẫn là mối lo của các nhà hoạch định chính sách Moscow.
7. Nước Mỹ không suy thoái
Một trong những “cú twist” đáng ngạc nhiên và thú vị nhất của năm 2023 là nền kinh tế Mỹ đã không suy thoái, trong khi phần lớn Phố Wall dự đoán là có.
Hầu hết các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đều thống nhất dự báo sẽ có một cuộc suy thoái trong năm 2023. Nhưng GDP của Mỹ tăng vọt trong quý 3 đã giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được điều này. Chi tiêu tiêu dùng linh hoạt đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp dao động dưới 4%, lạm phát nhanh chóng hạ nhiệt. Đây là dấu hiệu cho thấy kịch bản “hạ cánh mềm” trong mơ của FED vẫn nằm trong tầm tay. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng cho biết sẽ chuẩn bị tạm dựng chiến dịch tăng lãi suất và thực hiện các đợt cắt giảm vào năm 2024.
8. Sự thống trị của nhóm cổ phiếu "Magnificent Seven"
Câu chuyện cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là một năm thành công của cổ phiếu 7 công ty Big Tech: Apple, Microsoft, Alphabet (chủ sở hữu Google), Amazon, Nvidia, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và nhà sản xuất xe điện Tesla của Elon Musk.
Nhờ sự phát triển của AI cũng như nhu cầu tìm kiếm khoản đầu tư an toàn của các trader, nhóm cổ phiếu “Magnificent 7” này thu được lợi nhuận trị giá hàng nghìn tỷ USD trong năm 2023. Đây cũng là một năm tuyệt vời đối với các tỷ phú sáng lập nên những công ty này.
Việc một nhóm cổ phiếu nhỏ thống trị chỉ số S&P 500 không phải là một tin tốt cho tình hình chung của thị trường. Nhưng chỉ số chuẩn có thể sẽ một lần nữa phải dựa vào nhóm blue-chip vào năm tới, nếu nhóm này đạt được kỷ lục mới của Phố Wall.
Theo BI
Anh Dũng