Lãi suất không kỳ hạn tại ngân hàng nào thấp nhất?
Hiện đã có 15 ngân hàng niêm yết mức lãi suất chạm trần cho phép của ngân hàng nhà nước.
Theo khảo sát của phóng viên sáng ngày 15/11/2022, còn khoảng 20 ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất không kỳ hạn dưới mức trần cho phép (1%) của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, có 5 nhà băng ghi nhận lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,1% bao gồm có 3 ông lớn BIDV, Vietcombank, VietinBank; cùng LienVietPostBank và HDBank.
7 ngân hàng niêm yết mức lãi suất này 0,2% gồm VIB, Saigonbank, PVCombank, PGBank, Eximbank, CB, ABBank.
Trong nhóm có tiền gửi không kỳ hạn từ 0,5-0,99% có Sacombank, TPBank, OceanBank, MB, Agribank, BaoVietBank, OCB, DongABank. Riêng Sacombank có khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên để trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi 1%/năm.
Ở một số ngân hàng như ACB, VietBank, VietABank, mặc dù lãi suất huy động đối với tiền gửi không kỳ hạn chạm trần quy định của NHNN, song để được nhận mức 1%, khách hàng phải đảm bảo một số điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, loại tài khoản ưu tiên,…
Nhìn chung, phần lớn ngân hàng đều đã tăng lãi suất không kỳ hạn, thay vì trước đây, các nhà băng chủ yếu chỉ giữ chỉ tiêu này quanh mức 0,1-0,2%. Ngay cả "vua Casa" là Techcombank gần đây cũng đẩy lãi suất không kỳ hạn lên kịch trần 1%/năm.
Lãi suất huy động của tiền gửi có kỳ hạn liên tục tăng đã đặt thêm áp lực "pha loãng" chi phí vốn lên tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng. Báo cáo tài chính quý 3/2022 của 28 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đang cho thấy điều này. Trong đó, có đến 18 ngân hàng, tương đương tỷ lệ gần 67% ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 9 tháng đầu. Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm từ mức 18% hồi đầu năm nay xuống còn 16,7% vào cuối quý 3.
Vì lẽ đó, các ngân hàng sẽ khó lòng giữ yên được lãi suất không kỳ hạn, đặc biệt là khi NHNN cũng đã mở đường qua 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, "tăng lãi suất chính là làm tăng giá nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng. Nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với phần lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, biên lãi ròng (NIM) ngân hàng sẽ bị kéo giảm. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng sẽ hạ xuống, vì lãi suất tăng sẽ khiến cho dòng tiền nằm trên tài khoản thanh toán tìm đến các kênh tiền gửi có kỳ hạn. Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có một số ảnh hưởng nhất định".
Văn Tuệ
Nhịp Sống Thị Trường