• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Fitch Ratings đánh giá thế nào về "sức khỏe" Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB và ACB trong báo cáo mới nhất?

Fitch Ratings vừa đưa ra những đánh giá mới nhất về lợi nhuận, sức khỏe nguồn vốn, thanh khoản và chất lượng tài sản của các ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

 

Fitch Ratings đánh giá thế nào về Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB và ACB trong báo cáo mới nhất? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa thông báo nâng xếp hạng đối với 5 ngân hàng trong nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB và ACB. Động thái này diễn ra sau khi Fitch Ratings nâng Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer default ratings - IDR) của Việt Nam từ mức 'BB' lên 'BB+', với triển vọng ổn định vào ngày 8/12.

Với Vietcombank, VietinBank và Agribank, Fitch Ratings đã đồng loạt nâng Xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của các ngân hàng này từ mức 'BB' lên 'BB+' và Xếp hạng hỗ trợ của Chính phủ từ 'bb' lên mức 'bb+'. Triển vọng IDR ổn định.

Trong khi MB được Fitch Ratings nâng Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) từ mức 'BB-' lên 'BB' và Xếp hạng Hỗ trợ Chính phủ (GSR) từ 'bb-' lên 'bb '. Triển vọng IDR ổn định.

Fitch Ratings cũng nâng Xếp hạng Hỗ trợ Chính phủ (GSR) của ACB từ mức 'b+' lên 'bb-'. Đồng thời, cơ quan này duy trì Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ACB ở mức 'BB-' và Xếp hạng sức mạnh tín dụng độc lập (Viability Rating - VR) ở mức 'bb-'. Triển vọng ổn định.

Vietcombank

Theo Fitch Ratings, Vietcombank là thương hiệu ngân hàng hàng đầu Việt Nam và sở hữu 10%-12% thị phần cho vay và tiền gửi toàn hệ thống. Bên cạnh đó, quy mô tài sản lớn mang lại cho ngân hàng này lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các ngân hàng tầm trung trong việc thu hút tiền gửi rẻ và bảo lãnh các khoản vay có giá trị lớn.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã nhích lên 1,2% trong quý 3 (cuối năm 2022: 0,7%), nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ngành, phản ánh các biện pháp kiểm soát rủi ro nhất quán và mức độ tiếp xúc thấp trong lĩnh vực bất động sản. Fitch Ratings kỳ vọng rủi ro đối với chất lượng tài sản của Vietcombank sẽ giảm dần nhờ Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2024; đồng thời, tỷ lệ các khoản vay này tai Vietcombank cũng không lớn.

Tỷ lệ Lợi nhuận/Tài sản (ROA) của ngân hàng ổn định ở mức 1,8% trong 9 tháng đầu năm 2023 (2022: 1,9%), do chi phí tín dụng cao hơn được bù đắp bởi sự tăng trưởng chậm lại của chi phí hoạt động. Fitch Ratings kỳ vọng lợi nhuận đã điều chỉnh theo rủi ro của Vietcombank sẽ phục hồi vào năm 2024, nhờ vào việc phục hồi của tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và tăng trưởng tín dụng khi các điều kiện kinh tế cải thiện.

Theo Fitch Ratings, việc cắt giảm cổ tức những năm qua và tốc độ tăng trưởng tài sản chậm hơn trong 9 tháng đầu năm đã giúp ngân hàng củng cố tỷ lệ an toàn vốn trong khi khả năng sinh lời vẫn ổn định. Fitch Ratings kỳ vọng việc tăng vốn nội bộ của Vietcombank sẽ được duy trì, mặc dù với tốc độ tăng không quá nhanh. Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ dự kiến được thực hiện vào giữa năm 2024 cũng sẽ tăng cường sức khỏe nguồn vốn cho Vietcombank.

Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của Vietcombank ổn định ở mức 88% trong quý 3 năm 2023 (cuối năm 2022: 91%), phản ánh tình hình thanh khoản dồi dào. Fitch Ratings cho rằng Vietcombank có lợi thế so các ngân hàng khác khi sở hữu lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ trong cơ cấu nguồn vốn. Hãng xếp hạng này cũng tin rằng Vietcombank, cùng với các ngân hàng quốc doanh lớn khác, được người gửi tiền coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm thị trường căng thẳng.

VietinBank

Theo Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã nhích lên 1,4% vào cuối tháng 9 năm 2023 (cuối năm 2022: 1,2%) do tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, nhưng tốc độ tăng sẽ nợ xấu sẽ chậm lại trong bối cảnh điều kiện hoạt động được cải thiện và môi trường lãi suất thấp. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở ở mức 172% cũng sẽ hạn chế rủi ro đối với bảng cân đối kế toán của VietinBank.

Khả năng sinh lời của tài sản Vietinbank ổn định trong 9 tháng đầu năm nhờ tăng trưởng cho vay ổn định và thu nhập từ phí cao hơn đã bù đắp sự sụt giảm biên lãi cho vay. Fitch Ratings kỳ vọng lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro của VietinBank sẽ cải thiện trong 12-18 tháng tới nhờ NIM tăng trở lại khi nhu cầu tín dụng bán lẻ và nền kinh tế phục hồi. Nền kinh tế mạnh hơn cũng sẽ giúp chi phí tín dụng của VietinBank ở mức thấp hơn.

Về thanh khoản, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của VietinBank đã tăng nhẹ lên 106% vào cuối quý 3 (cuối năm 2022: 102%) do tăng trưởng cho vay nhanh hơn, nhưng Fitch Ratings kỳ vọng thanh khoản của ngân hàng sẽ duy trì ở mức ổn định, phù hợp với trạng thái dồi dào thanh khoản của hệ thống. Bên cạnh đó, nguồn vốn của VietinBank chủ yếu được tài trợ bởi tiền gửi của khách hàng, tạo ra sự ổn định trong nền tảng vốn. Cũng theo Fitch Ratings, VietinBank nắm giữ khoảng 10%-11% thị phần tài sản và tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tại thời điểm 30/9.

Agribank

Fitch Ratings cho biết tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu đã xóa tại Agribank cao hơn so với mức trung bình của các ngân hàng được Fitch Ratings xếp hạng. Điều này phản ánh sự mở rộng của Agribank đối với phân khúc rủi ro với và tại khu vực nông thôn. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank tăng lên 2,1% vào cuối tháng 6 năm 2023 (cuối năm 2022: 1,8%) trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhưng Fitch Ratings kỳ vọng chất lượng tài sản của Agribank sẽ ở mức ổn định khi nền kinh tế phục hồi trong thời gian tới.

Fitch Ratings cũng kỳ vọng khả năng sinh lời của Agribank sẽ tiếp tục cải thiện nhờ tối ưu hóa chi phí hoạt động và NIM phục hồi khi chi phí vốn giảm và các khoản cho vay được định giá lại theo lãi suất thị trường.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc bán nợ đã xóa của Agribank là rất đáng kể trong những năm gần đây, trong bối cảnh ngân hàng đang nỗ lực xử lý tài sản bảo đảm. Hãng xếp hạng này kỳ vọng thu nhập của Agribank sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ những khoản lãi như vậy trong thời gian tới khi các khoản nợ đã được xóa (phần lớn có tài đảm bảo) tương đương khoảng 18% dư nợ tại thời điểm cuối năm 2022.

Fitch Ratings cho biết, đặc quyền nhận tiền gửi cố định và các mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước đã củng cố cho sự ổn định của nguồn vốn Agribank; và nhìn chung Agribank là ngân hàng cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi vào khoảng 86% tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 phản ánh sự dồi dào về thanh khoản của ngân hàng.

MB

Theo Fitch Ratings, chất lượng tài sản của MB đã suy yếu trong 9 tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng từ tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế dường như đang được cải thiện dần, rủi ro về chất lượng tài sản của MB cũng đang giảm dần và hãng xếp hạng này cho rằng chất lượng các khoản vay của MB vẫn trong tầm kiểm soát.

Tỷ lệ vốn cốt lõi Fitch của MB là 10,5% vào cuối tháng 9 phản ánh vùng đệm vốn mỏng của ngân hàng so với rủi ro trong hoạt động tín dụng. Fitch Ratings dự báo tỷ lệ này sẽ tăng dần lên mức 11% vào cuối năm 2024 nhờ tăng trưởng nguồn vốn nội bộ ổn định.

Fitch Ratings cho biết, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của MB đã tăng lên 94% vào cuối tháng 9, từ mức 90% vào cuối năm 2022, do duy trì được tốc độ tăng trưởng cho vay ở mức cao. Tỷ lệ này có thể tăng hơn nữa do tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, nhưng Fitch Ratings kỳ vọng vị thế thanh khoản của MB sẽ vẫn ở mức lành mạnh, khi được hỗ trợ bởi sự cải thiện của thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, tiền gửi của khách hàng hiện chiếm khoảng 85% nguồn vốn của MB, với các tài khoản tiết kiệm chi phí thấp chiếm 30% tổng số tiền gửi - mức cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam được Fitch Ratings nghiên cứu – sẽ là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng.

Với lợi nhuận, Fitch Ratings kỳ vọng những áp lực trong 9 tháng đầu năm 2023 sẽ giảm bớt và NIM sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ thanh khoản và tăng trưởng tín dụng cải thiện. Theo đó, nhu cầu tín dụng trong phân khúc bán lẻ vốn có lợi nhuận cao gia tăng đi cùng với tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ giúp cải thiện tỷ lệ lợi nhuận hoạt động/tài sản có rủi ro (RWA).

ACB

Theo Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu của ACB đã tăng lên 1,2% vào cuối tháng 9/2023, từ mức 0,7% ghi nhận vào cuối năm 2022 nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với trung bình ngành. Hãng xếp hạng tin rằng điều này phản ánh các tiêu chuẩn tín dụng của ACB tốt hơn so với các ngân hàng có cùng quy mô và mức độ tiếp xúc ít hơn với các doanh nghiệp bất động sản. Fitch Ratings kỳ vọng các chỉ số chất lượng tài sản của ACB sẽ duy trì ổn định trong 12-18 tháng tới trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.

Fitch Ratings cũng kỳ vọng NIM của ACB sẽ ổn định trong vài quý tới nhờ thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, sau khi co hẹp vào đầu năm 2023. Đồng thời, lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro của ACB sẽ tiếp tục vượt trội so với các ngân hàng trong ngành khi có tỷ trọng cho vay bán lẻ ở mức cao.

Fitch Ratings cho biết, ACB có vùng đệm vốn cao nhất trong số các ngân hàng trong nước. Hãng xếp hạng kỳ vọng vị thế vốn của ACB sẽ tiếp tục cải thiện nhờ khả năng tạo vốn nội bộ bền vững và có thể tăng nhanh hơn mức tăng của tài sản có rủi ro.

Tỷ lệ cho vay/tiền gửi vào cuối quý 3 ở mức 98%, không đổi so với cuối năm 2022, cho thấy trạng thái thanh khoản tốt của ACB. Fitch Ratings dự báo, tăng trưởng cho vay của ACB có thể tăng tốc vào năm 2024 khi nền kinh tế phục hồi, dẫn đến tỷ lệ này tăng lên. Tuy nhiên, hãng xếp hạng này kỳ vọng huy động vốn của ACB vẫn sẽ tăng trưởng ổn định, với tiền gửi của khách hàng là nguồn huy động chính (chiếm khoảng 82% vào cuối tháng 9).

Quang Hưng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...