Điểm danh “quân số” ngân hàng quý I/2023: VPBank không còn là ngân hàng có nhân sự nhiều nhất, Vietcombank đứng đầu bảng về tuyển dụng
BIDV tăng tuyển dụng trong khi VPBank cắt giảm nhân sự, giúp cho BIDV vươn lên vị trí dẫn đầu về cán bộ nhân viên trong hệ thống ngân hàng, không bao gồm Agribank.
Top 10 ngân hàng có “quân số” nhiều nhất quý I/2023
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 đã được công bố của 28 ngân hàng, tính đến ngày 31/03/2023, các nhà băng này đang có 274.131 nhân sự, giảm 1.062 nhân sự so với đầu năm.
Trong đó, top 10 hiện có 192.420 nhân sự, tương đương với 70% lực lượng lao động của 28 ngân hàng.
Với 28.195 nhân viên, BIDV đã soán ngôi nhà băng có nhiều nhân sự nhất của VPBank dù nhân sự của BIDV trong quý vừa qua giảm 240 người (riêng ngân hàng mẹ giảm 264 người).
Tất nhiên nếu tính cả Agribank (chưa niêm yết) thì số lượng nhân sự của BIDV còn ít hơn rất nhiều so với "ông lớn nông nghiệp".
VPBank hiện ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng với 28.155 nhân sự, giảm 956 người so với đầu năm. Đây cũng là nhà băng có lượng nhân sự sụt giảm lớn nhất trong quý I/2023. Nguyên nhân do số lao động ngân hàng mẹ giảm 167 người, cùng lúc các công ty thành viên khác trong tập đoàn giảm 789 người.
VietinBank hiện có 24.939 nhân sự, giảm 180 người so với đầu năm. Sự sụt giảm về số lượng nhân sự chủ yếu do số lượng nhân viên ở ngân hàng mẹ với mức giảm 170 người và các công ty con giảm 10 người so với đầu năm.
Theo sau là Vietcombank với 22.862 nhân viên, tăng 263 người so với cuối năm 2022. Trong đó, toàn bộ nhân sự được tuyển thêm đều là ở ngân hàng mẹ. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là ông lớn duy nhất ghi nhận nhân sự cả tập đoàn tăng trưởng trong quý I/2023. Trên thực tế, ngay từ đầu năm, Vietcombank đã mở ra nhiều đợt chiêu mộ nhân sự ở các quy mô khác nhau. Riêng với các đợt tuyển dụng tập trung, từ đầu năm đến nay ngân hàng đã tổ chức được 3 lần và mở ra ít nhất 690 cơ hội việc làm. Đây là một trong những yếu tố góp phần không nhỏ vào việc mở rộng quy mô nhân sự của nhà băng này.
Sacombank ở vị trí thứ 5 với 18.439 nhân viên, gần như không đổi khi chỉ giảm 3 người so với đầu năm.
Các thành viên còn lại top 10 nhà băng có số lượng nhân sự lớn nhất là HDBank (16.270 người), MB (16.085 người), ACB (13.081 người), LienVietpostBank (12.282 người), Techcombank (12.112 người).
Hiện chỉ có 15/28 ngân hàng ghi nhận lượng nhân viên tăng trưởng so với đầu năm, số còn lại đều giảm quy mô nhân sự.
Trong đó, dẫn đầu là Vietcombank với lượng nhân sự tăng thêm đạt 263 người.
Ở vị trí thứ hai, NamABank ghi nhận quy mô nhân sự tăng thêm 250 người. Việc này chủ yếu do số lượng nhân sự ở công ty con đã tăng thêm 241 người.
Eximbank ở vị trí thứ ba với lượng nhân sự tăng thêm 198 người. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc số nhân sự ở các công ty con tăng lên.
Theo sau là OCB với tổng nhân sự tăng thêm 115 người. Toàn bộ nhân sự tăng thêm đều được bổ sung cho ngân hàng mẹ. Giai đoạn tháng 1-2/2023 là khoảng thời gian dự án Liobank - một đơn vị ngân hàng hoàn toàn số (Neobank) trực thuộc OCB bước vào giai đoạn nước rút. Ngay từ đầu năm, không ít nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ, marketing, bán hàng cho riêng khối này đã liên tục được OCB chiêu mộ.
VietCapitalBank ở vị trí thứ 5 với khi ghi nhận nhận tổng nhân sự tăng thêm 87 người. Tất cả những nhân viên được tuyển dụng mới đều ở ngân hàng mẹ.
5 ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng các nhà băng có nhân sự tăng nhiều nhất trong quý I/2023 là là MSB (tăng 83 người); LienVietPostBank (tăng 79 nhân sự); ACB (tăng 46 nhân viên); BacABank (tăng 44 lao động) và VietABank (tăng 27 người).
“Thời gian tới, phấn đấu đa dạng hệ sinh thái, tăng cường thu nhập dịch vụ và bán lẻ sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển chung của các ngân hàng. Do đó, lượng nhân sự tăng thêm tại các ngân hàng sẽ tiếp tục chủ yếu đến từ các công ty con, các mảng kinh doanh ngân hàng cá nhân và công nghệ”, ông Dũng đánh giá.
Mặt khác, giai đoạn hiện tại, do tình hình kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khả quan nên các nhà băng vẫn đang chú trọng nâng cao chất lượng của các nhân sự hiện tại hơn thông qua các hoạt động đào tạo và tự đào tạo hơn là đẩy mạnh mở rộng quy mô.
Ông nói thêm, giai đoạn quý I thường được gọi là “Mùa chuyển nhượng”. Do giai đoạn này phần lớn các nhân sự đều đã nhận thưởng tết và có xu hướng thay đổi môi trường làm việc. Thị trường lao động chủ yếu chỉ ghi nhận việc banker ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác, chưa có sự tăng lên trong tổng quy mô nhân sự. Thế nhưng từ quý 2 trở đi, khi lượng sinh viên ra trường nhiều hơn, thị trường sẽ chính thức bước vào “mùa tuyển dụng”, lượng lao động tại các nhà băng cũng sẽ nhiều hơn. Đơn cử, một số ông lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank thường từ quý II trở đi mới bắt đầu mở những đợt tuyển dụng quy mô lớn.
Văn Tuệ
Nhịp sống Thị trường