• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa: Nhiều doanh nghiệp tạm lãi cả nghìn tỷ đồng, thậm chí lên đến chục nghìn tỷ nhưng chưa ghi nhận

SCIC chỉ bỏ ra chưa tới 1.760 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 12.000 tỷ đồng. FPT, Vinare bỏ 1 đồng vào TPBank nay đã có 10 đồng...

Nhóm ngân hàng còn được biết là cổ phiếu "vua" trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường. Không chỉ có nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức mà nhiều doanh nghiệp cũng ưa thích đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.

Khá nhiều doanh nghiệp đã có 10-20 năm kiên trì "ôm" cổ phiếu ngân hàng ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất và đã "hái quả ngọt" khi nhóm cổ phiếu này đã tăng phi mã trong 2 năm gần đây.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp nắm giữ lượng cổ phiếu ngân hàng lên tới cả chục nghìn tỷ đồng như Masan, Viettel, SCIC, Tổng Công ty trực thăng Việt Nam (Vietnam Helicopter).

Với thời gian đầu tư lâu, các doanh nghiệp này đang tạm lãi nhiều nghìn tỷ đồng nhưng hầu hết chỉ được ghi nhận theo giá vốn đầu tư do quy định kế toán hiện hành, trừ các công ty chứng khoán được ghi nhận theo giá trị thị trường. Nếu trừ đi cổ tức nhận được, giá vốn của một số công ty thậm chí có thể về 0.

Một số trường hợp ngân hàng là công ty liên kết như Techcombank/Masan hay PGBank/Petrolimex thì ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu nhưng cũng thấp hơn giá trị thị trường khá nhiều.

Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa: Nhiều doanh nghiệp tạm lãi cả nghìn tỷ đồng, thậm chí lên đến cả chục nghìn tỷ nhưng chưa ghi nhận - Ảnh 1.

Masan Group hiện đang trực tiếp nắm giữ hơn 524 triệu cổ phiếu của ngân hàng TCB. Giá vốn mà công ty bỏ ra chỉ là 4.379 tỷ đồng. Trong khi đó, giá đóng cửa phiên 11/2/2021 của TCB là 53.700 đồng/cp, vậy với hơn 524 triệu cổ phiếu TCB, giá trị khoản đầu tư của Masan tương ứng với 28.156 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa Masan đã lãi 23.777 tỷ đồng từ đầu tư vào TCB - tức trên 1 tỷ USD.

Ngoài ra, Mapleleaf - công ty con của Masan cũng đang sở hữu lượng cổ phiếu TCB trị giá 9.374 tỷ đồng.

Tương tự như trường hợp của Masan đầu tư vào Techcombank, rất nhiều đơn vị cũng lãi rất lớn khi đầu tư chiến lược hoặc sáng lập ngân hàng như trường hợp của T&T Group với SHB, Sovico với HDBank, Geleximco với ABBank, FPT, Vinare với TPBank,...

Ngân hàng Quân đội (MBB) giúp cho 1 loạt doanh nghiệp thu lợi lớn gồm SCIC và các doanh nghiệp bộ Quốc phòng như Viettel, Viettelimex, Tân Cảng, Tổng Công ty trực thăng...

Tháng 9/2015, SCIC rót gần 1.800 tỷ đồng mua 10% cổ phần MB, hiện nay lượng cổ phiếu này đã tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã phải thoái vốn đầu tư vào ngân hàng trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều đơn vị vẫn giữ được đến hiện như Petrolimex với PGBank, Bến Thành với OCB, HFIC với HDBank, VNPT với MSB hay VN Post với LPB.

Vào ngày 23/2 tới đây, Vnpost sẽ tiến hành thoái 10,2% vốn tại LPB với giá khởi điểm là hơn 3.500 tỷ đồng trong khi giá vốn chỉ có 811 tỷ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) sở hữu 40% cổ phần ngân hàng PGB, tương ứng với 120 triệu cổ phiếu. Với giá hiện tại là 32.200 đồng/cp, 120 triệu cổ phiếu PGB có giá trị 3.864 tỷ đồng. Giá vốn mà PLX bỏ ra chỉ có 1.078 tỷ đồng, có nghĩa PLX đã lãi 2.786 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa: Nhiều doanh nghiệp tạm lãi cả nghìn tỷ đồng, thậm chí lên đến cả chục nghìn tỷ nhưng chưa ghi nhận - Ảnh 2.

Nhiều khoản đầu tư tài chính gây bất ngờ

Bên cạnh những trường hợp kể trên là cổ đông gắn bó lâu năm có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng thì cũng có những trường hợp doanh nghiệp chỉ mới đầu tư ngắn hạn nhưng cũng lãi lớn.

Cuối tháng 9/2021, Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank - TPB) thông báo đã chào bán thành công 100 triệu riêng lẻ. Trong đó, CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi - TCD) đã bỏ ra 957 tỷ đồng để mua 29 triệu cổ phiếu. Giá trị khoản đầu tư khi đó hiện tại đã tăng lên 1.678 tỷ đồng, lãi 721 tỷ đồng.

CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (TN1) chỉ đầu tư duy nhất vào 1 loại chứng khoán đó là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Giá vốn của mỗi một cổ phiếu MSB là khoảng 12.900 đồng/cp. Hiện tại, giá đóng cửa phiên 11/02/2022 của MSB là 27.550 đồng/cp. Như vậy tổng giá trị khoản đầu tư vào MSB của TN1 hiện tại phải hơn 1.636 tỷ đồng. TN1 đã lãi khoảng 869 tỷ đồng, tương ứng với giá trị khoản đầu tư đã tăng 113%. Trong khi đó, tiền TN1 dùng để mua cổ phiếu MSB đến từ khoản vay CTCP Năng lượng TNPower và CTCP Xây dựng Địa ốc 501.9 thời hạn 1 năm với lãi suất 11%/năm.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) lãi lớn khi mua 2 cổ phiếu ngân hàng là SHB và TCB. Số tiền gốc công ty bỏ ra để mua cổ phiếu SHB là 275 tỷ đồng. Theo giá đóng cửa phiên 11/02/2022 của SHB là 23.600 đồng/cổ phiếu, thì giá trị số cổ phiếu SHB của SHS đã tăng lên 932 tỷ đồng. So với số vốn ban đầu bỏ ra, SHS đã lãi 657 tỷ đồng, tương ứng với tăng 138% so với giá mua vào. Còn TCB, công ty bỏ ra 403 tỷ để mua cổ phiếu của ngân hàng, số cổ phiếu đó hiện tại trị giá 622 tỷ đồng.

Một trường hợp thú vị khác là CTCP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng vào năm 2019 đã từng gây sốc khi vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng lại đi vay một tổ chức nước ngoài 1.400 tỷ đồng với lãi suất ngất ngưởng 20%/năm để mua 60 triệu cổ phiếu của ACB.

Và hiện nay, giá trị hiện tại của số cổ phiếu Hồng Hoàng mua khi đó đã lên tới 3.525 tỷ đồng, tăng 144% so với giá vốn.

Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa: Nhiều doanh nghiệp tạm lãi cả nghìn tỷ đồng, thậm chí lên đến cả chục nghìn tỷ nhưng chưa ghi nhận - Ảnh 3.

Biến động giá một số cổ phiếu ngân hàng từ khi lên sàn

https://cafef.vn/co-phieu-ngan-hang-thang-hoa-nhieu-doanh-nghiep-tam-lai-ca-nghin-ty-dong-tham-chi-len-den-ca-chuc-nghin-ty-nhung-chua-ghi-nhan-20220214011523903.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...