Thủ đô của Ấn Độ 'nghẹt thở' khi ô nhiễm không khí cao gấp 50 lần giới hạn an toàn
Chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã phải đóng cửa trường học, ngừng xây dựng và cấm các xe tải không thiết yếu vào thành phố vào thứ Hai, sau khi mức độ ô nhiễm không khí đạt ngưỡng tồi tệ nhất trong mùa này.
Người dân New Delhi, thành phố hơn 33 triệu dân, thức dậy trong làn khói độc dày đặc bao phủ khắp nơi. Theo SAFAR, cơ quan môi trường hàng đầu của Ấn Độ, mức độ ô nhiễm đã tăng lên ngưỡng nguy hiểm và vượt xa giới hạn an toàn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại nhiều khu vực, mức độ ô nhiễm cao hơn 50 lần giới hạn an toàn. Dự báo tình trạng không khí xấu sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần này.
Khói bụi dày đặc che mờ các tòa nhà cao tầng và các di tích nổi tiếng, khiến tầm nhìn giảm đáng kể. Các hãng hàng không đã cảnh báo nguy cơ chậm chuyến.
Mỗi năm, tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc Ấn Độ lại tăng cao vào mùa đông. Nguyên nhân là do nông dân ở các bang lân cận như Uttar Pradesh đốt tàn dư cây trồng, thải ra lượng lớn khói bụi. Khói bị giữ lại gần mặt đất do hiện tượng nghịch nhiệt. Các phương tiện giao thông và hoạt động sản xuất công nghiệp, cùng việc đốt than để sản xuất điện, càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Chính quyền đã kích hoạt giai đoạn 4 của Kế hoạch Ứng phó Ô nhiễm theo mức độ (GRAP 4) bao gồm: chuyển sang học trực tuyến cho mọi cấp lớp, trừ từ lớp 10 đến 12; cấm xe tải không thiết yếu vào thành phố, ngoại trừ xe chở hàng hóa cần thiết; mọi hoạt động xây dựng bị đình chỉ; người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp được khuyến cáo hạn chế ra ngoài.
Người dân New Delhi vẫn cố gắng duy trì thói quen hàng ngày, như đi bộ buổi sáng, đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc. Sanjay Goel, một người bán hàng 51 tuổi, chia sẻ: "Ai cũng đau họng. Họ nên cấm hoàn toàn việc đốt rơm rạ... nơi nào cũng chỉ toàn khói".
Trên mạng xã hội, nhiều người gọi New Delhi là "phòng hơi ngạt" hay "thành phố hậu tận thế", kèm theo những phàn nàn về đau đầu, ho dai dẳng và bức xúc yêu cầu chính quyền tìm giải pháp lâu dài.
Theo các nghiên cứu, mỗi năm có hơn 1 triệu người Ấn Độ tử vong vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Mặc dù chính quyền đã thực hiện các biện pháp tạm thời, như phun nước hoặc sử dụng máy phun sương chống bụi, nhưng các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách giải quyết tận gốc vấn đề thay vì chỉ xử lý hậu quả.
Cao Phong (theo AP, Reuters)