• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Uganda tương xứng với quan hệ chính trị

Chiều 25/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Uganda. Cùng tham dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan xúc tiến thương mại, đại điện DN hai nước.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Uganda tương xứng với quan hệ chính trị - Ảnh 1.

Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác kinh tế của Uganda - Ảnh: VGP/Đình Nam

Hiện nay, quy mô hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Uganda còn rất khiêm tốn. Kim ngạch thương mại trực tiếp giữa hai nước năm 2021 đạt 14,3 triệu USD, tăng 39,8% so với mức 10,28 triệu USD năm 2020.

Tính đến năm 2022, Uganda có 3 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 90.000 USD. Việt Nam có 2 dự án tại Uganda với tổng mức đầu tư 35,5 triệu USD.

Vì vậy, tại diễn đàn, DN hai nước đã kết nối, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trên cơ sở nhu cầu, thế mạnh của mỗi bên.

Cụ thể, Uganda có nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải và linh kiện, thiết bị viễn thông, phát triển nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng… Đây là những mặt hàng thế mạnh của DN Việt Nam.

Đại diện các DN Uganda cũng thể hiện sự quan tâm tới các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như: Giáo dục-đào tạo, thông tin và truyền thông, y tế, công nghệ thông tin, du lịch, dầu khí, nghiên cứu và sản xuất vaccine.

Trong khi đó, Uganda có nguồn tài nguyên rất lớn về đất đai, lâm sản, khoáng sản, dầu mỏ…, trong đó bông và gỗ là hai mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam.

Cộng đồng DN hai nước cho rằng, tiềm năng hợp tác còn rất lớn và mong muốn được Chính phủ hai nước tạo thuận lợi, hỗ trợ chính sách để nắm bắt được cơ hội đầu tư, kinh doanh, hợp tác để hai nền kinh tế cùng phát triển.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Uganda tương xứng với quan hệ chính trị - Ảnh 2.

Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni cho biết Uganda đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ, ưu tiên phát triển nông nghiệp, thương mại và đầu tư - Ảnh: VGP/Đình Nam

Trao đổi với đại diện DN hai nước, Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni cho biết Uganda đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ, ưu tiên phát triển nông nghiệp và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, triển khai các chính sách thương mại – đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư từ nước ngoài, trong đó có các DN đến từ Việt Nam.

Nhấn mạnh, quan hệ giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Uganda vẫn còn thấp, Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác. Diễn đàn là cơ hội tốt cho DN Việt Nam gặp gỡ trao đổi thông tin, hiểu biết thêm về Uganda và tìm kiếm đối tác tiềm năng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh và đánh giá cao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan xúc tiến đầu tư Uganda tổ chức Diễn đàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và Uganda đã có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp. Hai nước đã cùng đoàn kết với nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, giờ đây lại tiếp tục hợp tác vì sự phát triển của mỗi nước, đóng góp chung vào sự phát triển của thế giới. Hai nước đã hợp tác rất tốt tại các diễn đàn đa phương, phong trào Không liên kết nhưng hợp tác thương mại, đầu tư còn rất khiêm tốn, cần được thúc đẩy mạnh mẽ để tương xứng với mối quan hệ chính trị, cũng như mong muốn của lãnh đạo, nhân dân hai nước.

Theo Phó Thủ tướng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Uganda Yoweiri Kaguta Muxeveni trong khuôn khổ triển khai Tầm nhìn 2040, thời gian qua, Uganda đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành nền kinh tế phát triển năng động ở Đông Phi, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào các phong trào, tổ chức ở Đông Phi, châu Phi.

Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh rất khốc liệt, vươn lên từ xuất phát điểm rất thấp, nhưng đến nay quy mô nền kinh tế ước đạt gần 400 tỷ USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cũng như Uganda, Việt Nam chưa phát triển như mong muốn.

Việt Nam đang xây dựng, phát triển đất nước với 3 trụ cột: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mong muốn hợp tác, làm bạn với tất cả các nước, đặc biệt là những quốc gia trước đây đã ủng hộ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Uganda tương xứng với quan hệ chính trị - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống Uganda Yoweiri Kaguta Muxeveni có ý nghĩa lịch sử, thúc đẩy quan hệ toàn diện hai nước, trong đó có hợp tác kinh tế, lên một tầm cao mới - Ảnh: VGP/Đình Nam

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, thậm chí bị đình trệ do nhiều nguyên nhân, cùng với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều thay đổi, Phó Thủ tướng cho rằng các quốc gia, nền kinh tế phải tăng cường hợp tác, "phải cùng nhau". Vì vậy, Việt Nam thực tâm và quyết tâm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ toàn diện giữa với Uganda, nhất là về kinh tế.

"Để hiện thực hóa điều này, cộng đồng DN, các bộ, ngành của hai nước cần bắt tay vào làm nhiều việc, dù sẽ rất khó khăn, trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, nhằm vào những lĩnh vực mà các bên có lợi thế, chọn ra những lĩnh vực đột phá. Không chỉ huy động các DN lớn mà cả các DN nhỏ, rất nhỏ cùng tham gia. Không chỉ hợp tác song phương mà còn kêu gọi các quốc gia, tổ chức khác cùng hợp tác", Phó Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, ngành cần thúc đẩy thực thi văn kiện hợp tác giữa hai nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN kết nối, hợp tác, đầu tư, kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan xúc tiến đầu tư Uganda phải là "những người thực sự cầm lái con tàu thương mại giữa hai nước" với sự đồng hành, cam kết của Chính phủ hai nước.

Phó Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm của Tổng thống Uganda Yoweiri Kaguta Muxeveni có ý nghĩa lịch sử, thúc đẩy quan hệ toàn diện hai nước, trong đó có hợp tác kinh tế, lên một tầm cao mới.

Đình Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết