Taxi Xanh GSM và VMI - 2 công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng đã đem về cho Vingroup bao nhiêu tiền trong nửa đầu năm?
GSM và VMI đều là 2 công ty riêng do ông Phạm Nhật Vượng dùng cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập.
Trong 6 tháng đầu năm, 2 công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng đã có những giao dịch ra sao với Tập đoàn Vingroup?
GSM đem về 2.261 tỷ cho Vingroup
Theo BCTC quý 2/2023 của Vingroup (mã chứng khoán: VIC), tập đoàn có ghi nhận giao dịch với bên liên quan là CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh (GSM) với khoản phải thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 2.261,9 tỷ đồng. Phía Vingroup cho biết, khoản phải thu này đã được thu về 2.261 tỷ đồng.
Đây là các khoản mà hãng taxi này đã trả cho VinFast để mua xe điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam cũng như trên thế giới mà theo VinFast, là nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa.
Nhiều chuyên gia nhận định việc thành lập GSM của ông Vượng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi cho VinFast. Thạc sỹ Lê Thế Trung, Tổng Giám Đốc CTCP Tư vấn và giáo dục John&Partners chia sẻ với báo chí việc thành lập GSM sẽ giúp VinFast có thêm một nguồn tiêu thụ lớn . Đặc biệt là trong bối cảnh năm nay, tiêu dùng đang có chậm lại và việc bán xe trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng (B2C) sẽ khá khó khăn cho VinFast cũng như các hãng xe khác.
Đối với các xe tại GSM được cho thuê để tham gia hoạt động taxi, việc này cũng sẽ giúp VinFast tận dụng tạo ra dòng tiền . Ví dụ, khi hợp tác với Be Group, VinFast sẽ bán xe/cho thuê xe cho tài xế. Về bản chất đây là dịch chuyển kênh bán hàng qua bán hàng B2B. Trong đó, người mua xe chính là người làm kinh doanh dịch vụ vận chuyển và họ có nguồn doanh thu để chi trả tiền vay mua xe.
Một lợi ích khác cho VinFast, là thông qua việc đưa một lượng xe lớn vào hoạt động liên tục (xe thương mại sẽ di chuyển nhiều hơn rất nhiều so với xe gia đình), họ sẽ có một lượng lớn dữ liệu để sử dụng như: số liệu về lỗi, hỏng hóc thường gặp để làm cải tiến, dữ liệu về pin, các dữ liệu để phát triển hệ thống lái tự hành mà VinFast đang xây dựng…
Với số lượng xe bán ra nhiều, việc phổ cập thương hiệu VinFast tại Việt Nam cũng sẽ là lợi thế cho VinFast để tiếp tục huy động vốn. Số lượng xe được bán ra tăng đồng nghĩa với dòng doanh thu từ các dịch vụ sau bán như bảo hành, bảo dưỡng, bán linh phụ kiện cũng sẽ gia tăng. Đây cũng sẽ là cơ sở để VinFast đưa vào dự phóng dòng doanh thu cho các hoạt động kêu gọi đầu tư.
Trong bối cảnh thị trường ôtô đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều doanh nghiệp trong ngành ôtô đã báo cáo những khoản lợi nhuận giảm mạnh trong quý vừa qua, việc VinFast bán GSM và các hãng taxi với số lượng lớn cũng đã giúp hãng xe điện này giải quyết bài toán thanh khoản.
Theo số liệu từ VinFast, trong 6 tháng đầu năm hãng xe điện đã bàn giao 11.638 xe ôtô cho khách hàng . Hai mẫu xe VF8 và VFe34 đã lọt vào top 10 những loại xe bán chạy nhất trên thị trường Việt Nam khi đã bán ra lần lượt 4.555 chiếc và 5.072 chiếc. Thậm chí, tháng 4 VFe34 còn dẫn đầu về doanh số trên thị trường Việt Nam, đến tháng 5 vị trí này được trao cho VF8.
VMI đã mang về 1.927 tỷ tiền đặt cọc mua BĐS
BCTC của Vingroup cũng ghi nhận 1.927 tỷ đồng tiền đặt cọc mua bất động sản của công ty VMI.
Các khách hàng có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Người hợp tác với VMI được công ty chứng nhận quyền tài sản và phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.
Về mức lợi nhuận cam kết, tối thiểu là 9,5%/năm cho nhà đầu tư tiên phong tham gia trước ngày 30/11/2022 và mức lợi nhuận cam kết là 8,5%/năm cho những nhà đầu tư thông thường. VMI cũng bổ sung thêm lựa chọn thời hạn đầu tư là 3 năm hoặc 5 năm theo quyết định của nhà đầu tư.
Theo Trọng Hiếu
Nhịp sống thị trường