Tại sao nhiều công ty lại sa thải những nhân viên có vẻ chăm chỉ?
Sa thải luôn là một chủ đề nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh làn sóng sa thải đang diễn ra như hiện nay.
Khi nhắc đến sa thải, đó thường là câu chuyện không mấy dễ chịu với quyết định cho nghỉ việc vô cớ, những cuộc "đấu đá" để thoát khỏi vòng nguy hiểm, sự hoảng sợ về tương lai và sự nghiệp,... Kể cả khi cuộc chia tay với công ty diễn ra trong hoà bình, bạn có thể tìm được việc làm mới thì phải chia tay đồng nghiệp cũ, làm quen với môi trường mới cũng có nhiều khó khăn.
Nhưng gần đây một vấn đề đã được đem ra thảo luận: Nhiều người bị sa thải là người chăm chỉ trong mắt đồng nghiệp. Vì sao vậy?
Cốt lõi của việc sa thải nhân viên
Trước khi giải quyết vấn đề ban đầu, chúng ta hãy tìm hiểu một câu hỏi khác, "Mục đích của việc sa thải nhân viên là gì?". Câu trả lời không có gì khác ngoài giảm chi phí, tối ưu hóa nhân sự, cố gắng đưa khoản chi dành cho nguồn lao động về thấp nhất và đạt được hiệu quả công việc cao nhất.
Theo lập luận này, nhân viên siêng năng, chăm chỉ là những đối tượng mà công ty mong muốn nhất.
Vấn đề nằm ở chỗ "có vẻ chăm chỉ" bởi sự siêng năng là thứ có thể giả vờ được. Nếu chỉ làm hời hợt, không giải quyết được vấn đề thì sẽ lãng phí cơ hội việc làm, gây tốn kém cho doanh nghiệp, không đem lại hiệu quả và bị cho thôi việc. Những người này thường có 2 trạng thái cơ bản, có mặt sếp thì liều mạng làm việc, không có sếp thì lười biếng ỷ lại. Người như vậy không nên ở lại công ty mà nên theo đuổi sự nghiệp làm diễn viên.
Ảnh minh họa
Heinz Guderian - một vị tướng nổi tiếng của Đức có một nguyên tắc dùng người rất đặc biệt. Ông chia cấp dưới của mình thành 4 kiểu người dựa vào 2 từ khóa chính "chăm chỉ" và "thông minh".
Những người "vừa siêng năng vừa thông minh", Guderian phong họ làm sĩ quan cấp trung, đó chắc chắn là người tài năng.
Những người "không chăm chỉ cũng không thông minh", Guderian để họ làm quân lính bởi đó là lực lượng đông đảo nhất. Công việc hàng ngày phải dựa vào họ nên không thể làm phật ý họ, miễn là họ có khả năng tiếp nhận các chỉ đạo từ cấp trên.
Những người "không chăm chỉ nhưng rất thông minh", Guderian sẽ xem xét bồi dưỡng và để họ phát triển thành tướng quân. Bởi lẽ chỉ những người thông minh và không bị ảnh hưởng bởi chuyện vặt vãnh mới có thể đưa ra quyết định quan trọng.
Chắc chắn bạn sẽ hỏi, còn người "chăm chỉ nhưng không thông minh" thì sao? Guderian bảo những người này nhanh chóng thu dọn đồ đạc và ra về. Vì những người này đã không thông minh lại còn siêng năng một cách mù quáng nên sẽ làm lệch hướng nỗ lực của mọi người xung quanh.
Những người bận rộn mù quáng
Khi Hoàng Minh xuất hiện trong danh sách sa thải, các đồng nghiệp đã rất sốc. Bởi Hoàng Minh là một người nổi tiếng ở công ty vì thường xuyên ở lại làm thêm giờ. Anh ấy hay đăng tải hình ảnh ở lại đến tối muộn trên văn phòng nên mọi người thực sự không hiểu tại sao người đồng nghiệp chăm chỉ này lại bị cho nghỉ việc.
Sau đó Hoàng Minh liên tiếp thay đổi công việc nhưng đều không thành công. Dần dần mọi người mới hiểu ra lý do tại sao sau khi quan sát hình thức làm việc của anh. Hàng ngày Hoàng Minh đến công ty chấm công và bắt đầu công việc nhưng lại để đầu óc ở trên mây, không tập trung. Đến khi sắp đến giờ tan tầm anh mới cuống quýt lên vì công việc chưa xong nên phải tăng ca.
Mỗi ngày đều bận rộn nhưng cuối tháng nhìn lại thì thấy hiệu quả công việc không đến đâu, thậm chí còn kém hơn người khác. Cuối cùng Hoàng Minh trở thành một người bận rộn mù quáng, công việc cứ giậm chân tại chỗ và có thể bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào.
Những nhân viên như vậy thường không tạo ra nhiều giá trị cho công ty, hơn nữa còn có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực lên các đồng nghiệp khác. Nếu không loại bỏ họ, về lâu về dài sẽ tạo ra "hiệu ứng Biển Chết" trong công ty.
Hiệu ứng Biển Chết là khi công ty phát triển đến một giai đoạn nhất định, những nhân viên có năng lực thường có xu hướng rời đi vì không chịu nổi các vấn đề trong công ty. Bản thân các nhân viên này cũng dễ tìm được công việc mới tốt hơn. Nhân viên có năng lực kém hơn có xu hướng ở lại, lâu dần trở thành quản lý cấp trung hoặc cấp cao. Những nhân viên giỏi "bốc hơi" như nước Biển Chết, sau đó độ mặn của biển Chết trở nên rất cao, sinh vật bình thường khó mà sống sót được.
Ảnh minh họa
Làm sao để không trở thành kiểu nhân viên có vẻ chăm chỉ?
Peter Drucker - cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, từng nói rằng rủi ro lớn nhất trong thời kỳ hỗn loạn không phải là bản thân sự hỗn loạn, mà là mọi việc vẫn tiếp tục theo logic của quá khứ.
Trong một môi trường rộng lớn, chúng ta phải đối mặt với nhiều điều bất ổn hơn, làn sóng sa thải đang diễn ra là ví dụ. Vì vậy để sống sót giữa giai đoạn hỗn loạn này, nhiều người cũng đang tìm cách để thoát khỏi guồng quay cũ, ngăn bản thân trở thành một người bận rộn mù quáng, cũng là tránh trở thành người bị sa thải.
1) Tập trung vào kết quả, ít làm những việc vô ích
Xét cho cùng, nơi làm việc là nơi để kiếm sống bằng cách tạo ra giá trị, chỉ siêng năng thôi thì chưa đủ. Đối với một ông chủ nói chuyện bằng kết quả, không khó để lựa chọn giữa nhiều nhân viên làm việc chăm chỉ và ít nhân viên nhưng tạo ra nhiều giá trị.
Những nhân viên có thể tạo ra giá trị phải là người hướng đến kết quả. Khi gặp vấn đề họ sẽ cố gắng hết sức để giải quyết thay vì tỏ ra chăm chỉ để che đậy sự kém hiệu quả và năng lực của mình. Họ sẽ nghĩ cách để tìm ra giải pháp, để nâng cao hiệu quả công việc chứ không chỉ là hình thức.
Ảnh minh họa
2) Đảm nhiệm nhiều vị trí để giảm khả năng bị thay thế
Có một số người dù chịu khó nhưng vị trí của họ lại rất dễ bị thay thế, không có tầm quan trọng với công ty hoặc bộ phận. Khi gặp làn sóng sa thải, họ sẽ là người đầu tiên bị cho nghỉ việc.
Ví dụ, có một kiểu nhân viên làm việc ở vị trí không có tính chuyên môn, thường có thời gian rảnh nên được người ở các bộ phận khác nhờ hỗ trợ. Mỗi ngày họ đều cần mẫn như những chú ong thợ, không thể nói là không siêng năng. Nhưng về cơ bản, công việc được nhờ vả là chuyên môn của các bộ phận, họ cũng chỉ có thể làm những việc đơn giản, dần dần những chú ong thợ trở thành nhân viên tạp vụ.
Muốn tránh tình trạng này, mỗi người đều cần cố gắng làm phong phú đầu việc, chủ động xin được thử sức ở nhiều vị trí hoặc các cấp cao hơn, để bản thân tiến sâu hơn vào bộ máy cốt lõi của công ty. Ngoài công việc ra, bạn cũng cần phải tập trung nâng cao năng lực chuyên môn sau giờ làm việc, khẳng định vai trò không thể thay thế của mình.
Những nhân viên có vẻ siêng năng sẽ bị sa thải vì sự siêng năng của họ là một mệnh đề giả. Hãy nhớ rằng chăm chỉ tăng ca khác với chăm chỉ hiệu quả. Siêng năng chỉ là trạng thái của công việc, không phải là giá trị. Là người làm thuê, cần phải biến sự siêng năng thành giá trị, tức là một mũi tên trúng hai đích, nếu không sẽ không thể có được chỗ đứng vững chắc nơi công sở.
3) Nâng cao nhận thức bản thân, lập kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng
Một nguyên nhân khiến nhiều người bận rộn trong công việc là không có nhận thức rõ ràng về bản thân và cũng không có định vị nghề nghiệp chính xác. Họ cũng mong muốn phát triển nhưng ngay từ đầu lại định hướng sai nên dù chăm chỉ, vẫn nhận về kết quả không được tốt. Theo thời gian, họ có thể mất niềm tin vào bản thân và thay đổi từ chăm chỉ thực sự thành giả vờ chăm chỉ.
Lúc này, cách tốt nhất là nhảy ra khỏi vòng tròn "cố gắng - không hiệu quả - cố gắng hơn - không hiệu quả hơn" là làm rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Sau đó là phát huy tối đa điểm mạnh và tránh điểm yếu, dùng nỗ lực đúng chỗ để có thể phát triển nhanh hơn.
Nguồn: 163.com
Theo Huyền Trang
Phụ nữ Việt Nam