Sắp công bố PRIVATE 100 - Top doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam
Nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, tôn vinh và lan toả tinh thần phụng sự xã hội, CafeF đã xây dựng PRIVATE 100 – Danh sách các doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam với số thực nộp tối thiểu 100 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Dù còn nhiều 'chông gai' nhưng trong nỗ lực đồng hành với mục tiêu chiến lược quốc gia, các doanh nghiệp, định chế tài chính tại Việt Nam đã và đang xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển bền vững của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Tính bền vững phát triển thể hiện trước hết qua sức khoẻ của hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, tạo công ăn việc làm, hoàn thành nghĩa vụ thuế…
Bên cạnh đó, các bảng vinh danh trực thuộc PRIVATE 100 cho một số nhóm ngành đặc thù như chứng khoán, ngân hàng, hàng tiêu dùng… cũng sẽ được công bố.
Từ thực tế đó, CafeF mong muốn xây dựng một bảng danh sách các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cả nước, trước tiên là nhóm doanh nghiệp tư nhân mang tên PRIVATE 100 – TOP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN NỘP NGÂN SÁCH LỚN NHẤT VIỆT NAM.
Các doanh nghiệp tư nhân có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên đều được thể hiện trong danh sách chung của PRIVATE 100.
Top 100 doanh nghiệp dẫn đầu của PRIVATE 100 (PRIVATE 100 – Leading Group) sẽ là thứ hạng của 100 doanh nghiệp có số liệu nộp ngân sách lớn nhất. Các tập đoàn có công ty mẹ và các công ty con đủ điều kiện vào Top 100 sẽ chỉ tính số liệu hợp nhất của công ty mẹ để xếp thứ hạng. Theo số liệu hiện tại, 100 doanh nghiệp dẫn đầu của PRIVATE 100 có tổng nộp ngân sách năm 2023 đạt gần 177.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 30 đơn vị có số nộp ở mức nghìn tỷ trở lên.
Với nguồn lực tài chính của mình, các ngân hàng luôn là lực lượng tiên phong đầu tư cho các tầm nhìn dài hạn như chuyển đổi số, phát triển bền vững. Từ sự đầu tư đó, nhóm này đồng thời đào tạo thị trường và tạo ra sự thúc đẩy cùng phát triển đối với các nhóm ngành khác.
Là ngân hàng nhiều năm liên tiếp lọt TOP các doanh nghiệp đóng thuế cao, mức đóng góp cũng tăng gấp 3 lần sau 5 năm, HDBank đã giữ được chuỗi tăng trưởng cao đều đặn 12 năm liên tiếp, mức đóng góp cho ngân sách Nhà nước theo đó ngày càng lớn. Ngân hàng khẳng định mục tiêu theo đuổi các chuẩn mực quốc tế như ESG (Environment - Social - Gorvernance)... và hiện thực hóa chuẩn mực bằng các hành động thiết thực, thúc đẩy mục tiêu tài chính xanh, chuyển đổi sang, tài chính bền vững.
Trong khi đó, một ngân hàng khác trong top với 2.400 tỷ nộp ngân sách là TPBank ghi dấu ấn trên thị trường là một trong những định chế tài chính đi đầu thực hiện chiến lược phát triển bền vững theo chuẩn ESG, hướng tới số hóa và xanh hóa, hướng dòng tín dụng cho các dự án xanh, sản phẩm vì cộng đồng và nhóm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế.
Về nhóm bất động sản, các doanh nghiệp Bất động sản tư nhân là nhóm nộp ngân sách lớn thứ 2 với hơn 37.000 tỷ đồng. Trong đó, 7 cái tên nộp trên 1.000 tỷ. Nếu tính chung cả số liệu của những tập đoàn đa ngành lớn mà bất động sản là một mảng kinh doanh trọng yếu như Vingroup, THACO, Gelex... thì con số này có thể lên đến hơn 70.000 tỷ đồng.
Năm 2023, theo PRIVATE 100, nhóm thép chỉ có 6 doanh nghiệp nhưng đóng ngân sách hơn 13.000 tỷ đồng và có 4 doanh nghiệp đóng trên 1.000 tỷ.
Trong đó Tập đoàn Hòa Phát đã đóng hơn 9.000 tỷ. Hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng nhưng sản xuất thép vẫn là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh những lĩnh vực lớn trên, danh sách PRIVATE 100 còn có sự hiện diện của các doanh nghiệp đến từ hầu hết các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế từ chứng khoán, bảo hiểm, ô tô, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, công nghệ, bán lẻ, logistics…
Lĩnh vực thực phẩm đồ uống cũng là một trong những nhóm ngành đáng chú ý với số lượng đông đảo gần 20 doanh nghiệp, đóng góp hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ Masan đóng góp gần 8.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp bia trong Top 100 đóng góp 6.000 tỷ và các doanh nghiệp F&B (thực phẩm - đồ uống) khác đóng góp 8.600 tỷ.
Lĩnh vực chứng khoán cũng ghi nhận số lượng đông đảo với 15 doanh nghiệp trong danh sách PRIVATE 100 với ba doanh nghiệp dẫn đầu có số nộp trên 1.000 tỷ. Lĩnh vực công nghệ dù số lượng công ty tư nhân lớn khá khiêm tốn nhưng cũng đã có 2 đại diện nộp trên 1.000 tỷ là FPT và VNG.
Kiên định với chiến lược mở rộng quốc tế, VNG hiện là một trong số các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang mở rộng mạnh mẽ và kinh doanh khả quan tại thị trường quốc tế. Năm 2023, doanh thu cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài của Công ty đạt 1.707 tỷ đồng, tăng tới 33% so với 2022. Cho 3 năm tới, VNG đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài của khối Trò chơi trực tuyến & Điện toán đám mây AI sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn doanh thu trong nước.
PRIVATE 100 – Top Doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam là danh sách được CafeF thu thập từ những nguồn công khai hoặc các số liệu có thể xác thực, phản ánh toàn bộ số thực nộp ngân sách của doanh nghiệp, bao gồm các khoản thuế, phí, các khoản phải nộp. Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên đều có thể được tham gia vào danh sách. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong danh sách năm 2024, thể hiện số thực nộp của năm tài chính 2023, có thể kể đến như ACB; HDBank; Masan Group; OCB; PNJ; SHB; SSI; Techcombank; TPBank; Tập đoàn Hòa Phát; VNG; VPBank; VietBank,…(xếp theo thứ tự bảng chữ cái)
Bài: