• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loạt doanh nghiệp đối mặt với án hủy niêm yết

HoSE đã gửi văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết các cổ phiếu HVN, SII, HOT, MCG.

Loạt doanh nghiệp đối mặt với án hủy niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi văn bản tới Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu. Cụ thể, lý do được phía HoSE đưa ra là tại BCTC quý 4 của HVN, số lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2022 là 10.452,6 tỷ đồng. Ngoài ra, số lỗ lũy kế đơn vị này tính đến thời điểm 30/12/2022 là 34.199,5 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.

 

Đây không phải lần đầu tiên HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Hồi tháng 9/2022, Sở đã có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự, khi đó số lỗ lũy kế của đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

Nói về nguy cơ hủy niêm yết, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng phía công ty vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. “Vietnam Airlines sẽ cố gắng bằng mọi giải pháp để duy trì việc niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HoSE.

Quy định hủy niêm yết nhằm thanh lọc thị trường, loại bỏ các sản phẩm xấu để bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi đó, Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn bởi điều kiện bất khả kháng chứ không do vi phạm các quy định về công bố thông tin”, đại diện Vietnam Airlines từng chia sẻ.

Loạt doanh nghiệp đối mặt với án hủy niêm yết - Ảnh 1.

Tương tự, HoSE cũng lưu ý về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu SII của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn . Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 của SII, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là -89 tỷ đồng. Như vậy, SII có nguy cơ bị thua lỗ trong 3 năm liên tục (2020, 2021, 2022). Trong trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán tiếp tục có kết quả kinh doanh thua lỗ như báo cáo tài chính tự lập đã công bố, SII sẽ bị huỷ niêm yết trên HoSE.

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (HoiAntourist - mã CK: HOT) cũng liên tục thua lỗ 3 năm gần đây. Lỗ ròng năm 2022 của Công ty gần 19 tỷ đồng, lỗ luỹ kế gần 64 tỷ đồng. Dù doanh thu công ty trong năm 2022 có cải thiện so với năm 2020 và 2021 nhưng vẫn chưa thể quay lại như mức trước khi dịch bùng phát.

Công ty cổ phần Năng Lượng và Bất động sản MCG (mã CK: MCG) cũng trong diện có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu kết quả kinh doanh là số âm tại BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2022. Trong BCTC hợp nhất quý 4 tự lập, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là -84 tỷ đồng. Trong 2 năm trước đó, năm 2020 MCG lỗ ròng 9 tỷ và năm 2021 lỗ ròng 37 tỷ đồng.

Không chỉ trên HoSE, nhiều doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên HNX cũng đã đang đối mặt với việc thua lỗ 3 năm liên tiếp. Công ty cổ phần Sản xuất, xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC) vừa báo lỗ ròng 12 tỷ đồng trong năm 2022, trong 2 năm 2020 và 2021, KVC lỗ lần lượt là 41 tỷ và 33 tỷ đồng. Công ty cổ phần Hoàng Hà (HHG) Công ty cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama (L35) cũng đang có khả năng cổ phiếu hủy niêm yết với lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất tự lập là -58 tỷ đồng và -9 tỷ đồng.

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...